Quận 10: Khoá tu bát quan trai tại chùa Từ Nghiêm

89

PGTPHCM – Sáng ngày 21/01/2024, nhận lời chỉ dạy của Ni trưởng Trụ trì chùa Từ Nghiêm, Sư cô Thích nữ Thánh Tâm có thời pháp thoại chia sẻ về ý nghĩa của 4 điều y cứ cho quý nam nữ Phật tử tham dự khóa tu Bát quan trai giới tại chùa Từ Nghiêm (Quận 10).

Đến với buổi tu bát quan trai cuối năm tại đạo tràng chùa Từ Nghiêm, Sư cô Thích nữ Thánh Tâm đã chia sẻ đến đại chúng qua pháp thoại với chủ đề “4 điều y cứ”.

Nhằm giúp hàng Phật tử hiểu rõ và y theo để tu tập thành tựu …Sư cô nhấn mạnh đến ý nghĩa căn bản trong giáo pháp Tứ y, đó là:

Thứ nhất – Y pháp bất y nhân, nghĩa là y cứ vào Giáo pháp của Phật mà tu hành, chứ đừng nương tựa, chấp mắc vào người.

Thứ hai: Y liễu nghĩa kinh và bất y liễu nghĩa kinh, nghĩa là y cứ vào kinh điển liễu nghĩa, chứ đừng y cứ vào kinh điển không liễu nghĩa, chưa nói rõ hết nghĩa lý. Sư cô đã giảng giải rõ thế nào là liễu nghĩa, thế nào là không liễu nghĩa? Kinh liễu nghĩa là kinh nói về chân lý tuyệt đối, cũng gọi là Khế lý, là chân tính, bởi đó là căn bản của sự vật. Tu hành nhằm đạt sự bất biến, tức khế lý, liễu nghĩa. Bất biến không phải là bảo thủ, cố chấp bởi từ liễu nghĩa, bất biến để ứng vạn biến gọi là tùy duyên. Còn kinh bất liễu nghĩa là kinh phương tiện, nói về chân lý tương đối gọi là khế cơ. Vì là kinh phương tiện nên dễ hiểu, đánh thức người học, người tu thấy rõ nguồn gốc của khổ đau, phiền não, thiện ác, lời kinh được thể hiện bằng ngôn ngữ thế gian nên có tính “phàm tuệ”. Vì thế, người tu hướng về Vô thượng Bồ đề, tất nhiên phải y cứ vào kinh liễu nghĩa để hành trì nhằm thành tựu giác ngộ rốt ráo, thành Phật.

Thứ ba: Y nghĩa bất y ngữ, nghĩa là căn cứ vào nghĩa lý mà tu hành; chứ không y cứ vào câu, chữ, ngôn ngữ văn tự mà chấp mắc vào đó. Ngôn từ câu chữ chỉ là phương tiện để diễn đạt, để đánh thức tuệ giác chứ nó không phải là tuệ giác, là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải ánh ngời của vầng nguyệt. Ngôn ngữ, văn tự chỉ là công cụ diễn đạt để giúp người tu nhận ra chân lý để hành trì và thân chứng, bởi thế không nên bám víu và quá cố chấp vào văn tự, vì “ngôn dĩ tải đạo” mà thôi.

Thứ tư: Y trí bất y thức, nghĩa là nương tựa vào trí tuệ, không nương tựa vào kiến thức, không y theo vọng thức phân biệt. Chỉ có trí tuệ mới nhận chân được chân lý, còn vọng thức là thấy biết theo nghiệp, có tính tương đối và đa phần sai lầm. Chỉ có trí tuệ mới đầy đủ công năng quét sạch phiền não, thanh tịnh ba nghiệp. Còn thức dẫu thông minh, nhạy bén và lanh lợi đến đâu đi nữa cũng là sanh diệt, hư vọng và không đủ sức giác quán để chuyển hóa, diệt trừ phiền não. Vì vậy, Sư cô mong muốn quý Phật tử hãy lấy “duy tuệ thị nghiệp” làm phương châm tu học để đạt đến giác ngộ và giải thoát mọi phiền não, khổ đau.

Khép lại thời pháp thoại, Sư cô mong muốn các Phật tử hãy tinh tiến tu học, nỗ lực trau dồi trí tuệ để biết trạch pháp đúng đắn, thăng tiến trên con đường tu tập và tránh nương tựa vào những điều sai lầm, mất niềm tin nơi Phật Pháp. Buổi pháp thoại đã soi sáng cho quý thiện nam tín nữ Phật tử những điều mà bấy lâu nay quý vị đã nương tựa sai lầm, đã không hiểu rõ và thiếu niềm tin đúng đắn. Thời pháp thoại đã kết thúc trong niềm hân hoan, hỷ lạc của quý Phật tử khi được tham dự khóa tu bát quan trai cuối cùng của năm.

Tâm Phúc