Tưởng niệm 39 năm ngày viên tịch Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ – Chủ tịch HĐTS GHPGVN

56

Sáng nay ngày 20-4 (mùng 1-3 Qúy Mão), tại thiền viện Quảng Đức, Trung ương Giáo hội GHPGVN đã trang nghiêm tưởng niệm 39 năm ngày viên tịch của Đệ nhất Chủ tịch HĐTS GHPGVN cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ và đồng hiệp kỵ chư Tôn tiền bối hữu công viên tịch.


Hiện diện tại lễ tưởng niệm có Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm, Phó Thư ký HĐCM; chư Tôn Trưởng lão Hòa thượng Ủy viên Thường trực và thành viên HĐCM; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự; chư Tôn Hòa thượng Phó Chủ tịch HĐTS; chư Tôn đức Thường trực HĐTS, thành viên HĐTS, các ban viện và Văn phòng 2 Trung ương; cùng môn đồ pháp quyến và đại diện chính quyền các cấp TP.HCM.

chư Tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự

Tại lễ tưởng niệm, Hòa thượng Thích Thiện Thống – Phó Chủ tịch HĐTS đã cung tuyên tiểu sử và đạo nghiệp của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Đệ nhất Chủ tịch HĐTS GHPGVN.

Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch HĐTS

Thay mặt Trung ương Giáo hội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn dâng lời tưởng niệm để thể bày tinh thần tri ân và báo ân của thế hệ sau đến công đức to lớn của cố Trưởng lão Hòa thượng và những bậc cao Tăng thạc đức lãnh đạo Giáo hội qua các thời kỳ.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn dâng lời tưởng niệm

Lời tưởng niệm nhấn mạnh, “Thấm thoát ngày qua tháng lại, kể từ ngày hạt vàng khuất bóng, chùa Già Lam mây ẩn bóng ưu đàm, thuyền Bát nhã xuôi dòng bản thể, dù thời gian có trôi qua, không gian có thay đổi, nhưng công đức và đạo nghiệp của Cố Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trong trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Hôm nay nhân ngày Lễ húy kỵ lần thứ 39, ngày Cố Hòa thượng trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt và hiệp kỵ chư Tôn đức Hội đồng Trị sự GHPGVN, chư Liệt vị tiền bối Phật giáo hữu công, xin thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh và Tăng Ni Phật tử đốt nén hương lòng kính dâng lên cúng dường Giác linh Hòa thượng cùng chư Tôn đức Hội đồng Trị sự GHPGVN, chư Liệt vị tiền bối Phật giáo hữu công. Ngưỡng mong Pháp thân Hòa thượng từ bi gia hộ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trang nghiêm, hưng thịnh, Phật pháp xương minh, tông phong xán lạn huy hoàng, rừng thiền tâm hoa khai phát, pháp âm vĩnh xướng nhân gian và hộ trì cho thế giới Ta bà, vườn hoa xã hội nở hoa bốn mùa. Đồng thời, chúng tôi xin kính nguyện hòa hợp đoàn kết một lòng, để trang nghiêm ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển huy hoàng trong lòng dân tộc.”

Đại chúng thành kính tưởng niệm

Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, trầm hương quyện tỏa, chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội thành kính dâng hương tưởng niệm, đảnh lễ tri ân, truy tán công đức và tụng thời kinh Bát-nhã cúng dường Giác linh Trưởng lão Hòa thượng.

Hòa thượng Thích Lệ Trang xướng lễ, truy tán công đức cố Trưởng lão Hòa thượng Đệ nhất Chủ tịch

Trưởng lão Hòa thượng họ Nguyễn, úy Văn Kính, pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, hiệu Thích Trí Thủ. Sinh ngày 19.9 năm Kỷ Dậu (1909), tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm lên 17, Hòa thượng thực thụ xuất gia, đầu sư với Hòa thượng Thích Viên Thành tại chùa Trà Am – Huế, thụ giới cụ túc tại giới đàn chùa Từ Vân ở Đà Nẵng năm 20 tuổi.

Kế thừa hoài bảo thống nhất Phật giáo Việt Nam của các bậc cao Tăng tiền bối, với cương vị Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, Hòa thượng là nhân tố tích cực trong sự nghiệp thống nhất Phật giáoViệt Nam, xây dựng thành công ngôi nhà Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, mà Hòa thượng là thành viên sáng lập và được toàn thể đại biểu suy cử vào cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ lúc đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ I (1981 – 1986) cho đến ngày viên tịch, Hòa thượng đã không ngừng xây dựng và phát triển, làm cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng trang nghiêm và hưng thịnh trong lòng dân tộc, nhất là trong giai đoạn thống nhất Phật giáo Việt Nam đầy gian nan và thử thách, như Hòa thượng đã từng tâm sự: “Những gì tôi làm lợi ích cho Đạo pháp tức là lợi ích cho Dân tộc; những điều tôi làm lợi ích cho Dân tộc tức là lợi ích cho Đạo pháp”.

Bằng giới đức thanh tịnh, thân giáo, khẩu giáo và ý giáo thâm nghiêm, Hòa thượng là hiện thân của giới luật, là sức sống miên viễn của Phật pháp, là người khai thông giới thân huệ mạng cho hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử. Hòa thượng chính là người đầu tiên đã tái lập hình thức truyền giới Tam sư Thất chứng, Tăng Ni nhị bộ. Qua đó, từng lớp từng đàn giới tử giới thân, giới thể châu viên trang nghiêm dòng diệu thể, trở thành pháp khí Đại thừa, duy trì mạng mạch của Phật pháp.

Một số tác phẩm dịch thuật và biên soạn của Ngài để lại gồm: Kinh Phổ Môn, Phổ Hiền, Mẹ hiền Quán Âm, Vô Thường, A-di-đà, Pháp môn tịnh độ, Bát Nhã…; Luật Tỳ-kheo, Luật Tứ phần, Nghi thức truyền giới Bồ-tát tại gia và thập thiện; Nghi thức Phật đản, nghi thức lễ sám buổi khuya. Trưởng lão là người chủ trương các tập san: Tin Phật, Bát Nhã…

Trưởng lão Hòa thượng xả báo an tường, thu thần thị tịch vào lúc 21 giờ 45 ngày 2-4-1984 (nhằm ngày 2-3-Giáp Tý), tại tu viện Quảng Hương Già Lam, trụ thế 76 năm, 56 hạ lạp. Nhục thân của Ngài được nhập Bảo tháp trong khuôn viên tu viện Quảng Hương Già Lam (Q.Gò Vấp, Tp.HCM).

Nguồn: chutichghpgvn.vn