TP.Thủ Đức: Lễ húy nhật lần thứ 42 cố Hòa thượng Hộ Tông – Sơ Tổ Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam

216

PGTPHCM – Sáng ngày 10/9/2023, chùa Bửu Long (TP. Thủ Đức) đã tổ chức lễ húy nhật lần thứ 42 của cố Hòa thượng Hộ Tông, nguyên Tăng thống Giáo hội Tăng già Phật giáo Nguyên thủy (Theravàda) Việt Nam.


Chủ trì buổi lễ có Hòa thượng Thích Viên Minh – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, trụ trì chùa Bửu Long, Trưởng ban Tổ chức buổi lễ; Hòa thượng Thích Đào Như – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tp Cần Thơ; Hòa thượng Danh Lung – Ủy viên Thư ký HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Pháp Tông – trụ trì chùa Huyền Không (TP.Huế) cùng chư Tôn đức Tăng, Tu nữ các tự viện trong TPHCM, chư Tăng an cư kiết hạ tại trú xứ; và đông đảo thiện nam tín nữ Phật tử đồng tham dự.


Tại giác linh đài, chư tôn đức giáo phẩm đã dâng hương tưởng niệm đến đạo hạnh cao dày của Đại trưởng lão Hộ Tông – một đời phụng sự cho Đạo pháp và Dân tộc.

ĐÔI NÉT TIỂU SỬ VỀ HÒA HƯỢNG HỘ TÔNG

Hòa thượng Hộ Tông thế danh là Lê Văn Giảng, sinh năm 1893 tại làng Tân An, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Ngài xuất thân trong một gia đình trung lưu trí thức, thân phụ là ông Lê Văn Như, thân mẫu là bà Đinh Thị Giêng.

Năm 34 tuổi, Ngài phát tâm bắt đầu từ bỏ thế tục, hướng về nghiên cứu con đường tu hành, thoát khỏi mùi danh lợi.

– Vào ngày rằm tháng 10 năm Canh Thìn (1940), Ngài được đức Phó Vua sãi Campuchia truyền giới xuất gia tại chùa Sùng Phước Phnômpênh. Ngài về Việt Nam xây dựng Tổ đình Bửu Quang tại ấp Gò Dưa, xã Tam Bình, huyện Thủ Đức, Sài Gòn. Đây là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nam Tông người Việt.

– Năm 1949, Ngài cùng với cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu và các thiện tín ban đầu của Phật giáo Nguyên Thủy lập chùa Kỳ Viên ở Bàn Cờ, quận 3, Sài Gòn.

Tôn tượng Đại lão Hòa thượng Hộ Tông (1893-1981)

– Năm 1954, Ngài cùng với Hòa thượng Bửu Chơn đã tham dự hội nghị kết tập Tam Tạng Pàli lần thứ 6 tại Rangoon – Miến Điện. Ngài đã đọc diễn văn trong ngày bế mạc hội nghị.

– Năm 1957, Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam được thành lập. Trong Ban Chưởng Quản lâm thời, Ngài được bầu làm Phó Tăng Thống đệ nhị. Sau đó, chính thức bầu Ban Chưởng Quản Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam khóa I, Ngài được suy cử chức vụ Tăng Thống.

– Ngài đã lập: Thiền viện Tam Bố (Lâm Đồng) năm 1963, Thiền viện Phi Nôm (Lâm Đồng) năm 1964, tu viện Bửu Long (Thủ Đức) và Phật học viện Nguyên Thủy (Thủ Đức) năm 1970, chùa Bồ Đề (Vũng Tàu)năm 1969. Ngài cũng hợp tác với các vị cao Tăng khác trong Phật giáo Nguyên Thủy để lập các chùa Tam Bảo (Đà Nẵng) năm 1953, chùa Giác Quang (Chợ Lớn) năm 1950, chùa Pháp Quang (Gia Định) năm 1958, chùa Tăng Quang (Huế )năm 1959 v.v…

– Đến năm 1971, Ngài tiếp tục đảm nhận chức Tăng Thống, nhưng ủy quyền lại cho Hòa thượng Bửu Chơn lúc bấy giờ là Phó Tăng Thống điều hành, còn Ngài sang Thái Lan để hành thiền và nghiên cứu Tam Tạng Pàli. Sau đó Ngài trở về Việt Nam tiếp tục hành đạo và hoằng dương giáo pháp.

– Ngày 26/7 năm Tân Dậu, tức 25/8/1981 trước những giờ phút cuối cùng, Ngài rất minh mẫn còn giảng dạy Thiền định về đề mục niệm hơi thở cho các đệ tử thân cận. Bài pháp vừa xong, Ngài an lành viên tịch, với nét mặt trang nghiêm tươi tỉnh như đang nằm nghỉ ngơi. Lúc ấy là 16 giờ 45 phút. Ngài hưởng thọ 89 tuổi đời, 41 tuổi đạo.”

Tin: Hoa Hạnh/Ảnh: Tổ Đình Bửu Long Fanpage