TP.HCM: Tưởng niệm húy kỵ lần thứ 62 ngày Tổ Khánh Anh viên tịch

87

Sáng ngày 19/02 (nhằm 29 tháng Giêng), Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN quan lâm tại chùa Khánh Vân (205 Đội Cung, Quận 11) trang nghiêm cử hành lễ tưởng niệm 62 năm ngày Tổ Khánh Anh – Thượng thủ Giáo hội Tăng già Toàn quốc viên tịch.


Tại tổ đường, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn và chư tôn đức thành kính dâng nén tâm hương cúng dường Giác linh Tổ sư và đảnh lễ tri ân công đức cao dày của Tổ cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nước nhà.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn niêm hương tưởng niệm

Cuộc đời và sự nghiệp của Tổ Khánh Anh gắn liền với phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Nam nói riêng và cuộc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam nói chung, hòa cùng phong trào học Phật khắp đông tây. Tổ là bậc thầy của thế hệ Tăng già lãnh đạo Phật giáo Việt Nam thời hiện đại: Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Huyền Quang, Hòa thượng Hành Trụ, Hòa thượng Quảng Liên, … Mà từ đó bao thế hệ Tăng Ni kế thừa mạng mạch.

Chư tôn trưởng lão tưởng niệm trước giác linh Tổ Khánh Anh

Cùng ngày, tại Tổ đình Phước Hậu (Tam Bình, Vĩnh Long) GHPGVN tỉnh Vĩnh Long trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm húy nhật lần thứ 62 của Tổ sư.

Giác linh Tổ Khánh Anh tại tổ đường chùa Phước Hậu

Dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Phước Cẩn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Giám đốc Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, trụ trì tổ đình Phước Hậu; Hòa thượng Thích Thiện Thanh – Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Long; Thượng tọa Thích Lệ Lạc – Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, cùng chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, Tăng Ni trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và đông đảo Phật tử đồng tham dự.

Chư tôn đức niệm hương trước giác linh tổ Khánh Anh tại tổ đình Phước Hậu

Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của Tổ Khánh Anh:

Phục họa chân chung Tổ Khánh Anh

Hòa Thượng thế danh là Võ Hóa, pháp danh Chơn Húy, pháp hiệu Khánh Anh, Ngài sinh năm Ất Mùi (1895) tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1916, Ngài quy y thọ giới tại chùa Cảnh Tiên.
Năm 1917, Ngài được nhập chúng tu học ở chùa Quang Lộc trong tỉnh, được ban pháp danh Chơn Húy.
Ngài lần lượt thọ giới Sa-di rồi thọ giới Tỳ-kheo Bồ-tát với pháp hiệu Khánh Anh. Khi tròn 30 tuổi, Ngài trở thành một vị giảng sư Phật học nổi tiếng.
Năm 1927, Ngài được mời vào Nam làm Pháp Sư dạy tại trường gia giáo chùa Giác Hoa tỉnh Bạc Liêu.
Năm 1928, Ngài lại về dạy Phật Pháp tại chùa Hiền Long tỉnh Vĩnh Long. Qua năm 1931, Ngài nhận lời mời làm trụ trì chùa Long An, xứ Đồng Đế, tỉnh Cần Thơ (nay là Trà Ôn, Vĩnh Long)
Năm 1935, Ngài hợp tác với các Hòa Thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Pháp Hải v.v… lãnh đạo Hội Lưỡng Xuyên Phật Học, đặt trụ sở tại chùa Long Phước, tỉnh Trà Vinh và mở Phật Học Đường tại đây.
Năm 1955, Hội Phật Học Nam Việt thành lập, cung thỉnh Ngài vào Ban Chứng Minh Đạo Sư của Hội.
Năm 1957, ngày mùng một tháng ba năm Đinh Dậu (31-3-1957) Đại Hội Giáo Hội Tăng Già Nam Việt kỳ III họp tại chùa Ấn Quang đã suy tôn Ngài lên ngôi Pháp Chủ để lãnh đạo Phật Giáo miền Nam, kế nối Hòa Thượng Huệ Quang viên tịch tại Ấn Độ khi Hòa Thượng lãnh đạo phái đoàn Phật Giáo Việt Nam đi dự Hội Nghị lần thứ 4 của Hội Thế Giới Phật Giáo Liên Hữu.
Năm 1959, Đại Hội Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc kỳ II đã long trọng suy tôn Ngài lên ngôi vị Thượng Thủ.
Sau 45 năm hoằng hóa độ sinh, Ngài an nhiên thị tịch ở tuổi 66 vào ngày 29 tháng Giêng năm Tân Sửu (1961) tại chùa Long An.

PV Tổng hợp (Ảnh: Đăng Huy)