Ngày 01/3, Hội thảo khoa học Tổ Như Trừng Lân Giác và Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã được chùa Liên Phái phối hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội tổ chức.
Chủ toạ đoàn có Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịchThường trực HĐTS GHPGVN; Hoà thượng Thích Gia Quang – Hoà thượng Thích Quảng Tùng – đồng Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Giáo sư Lê Mạnh Thát; Phó giáo sư Tiến sỹ Chu Văn Tuấn.
Ngoài ra còn có sự tham dự của Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ; Hoà thượng Thích Thanh Điện – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban hướng dẫn Phật tử TW; Thượng toạ Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch HĐTS, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN; Thượng toạ Thích Thanh Tuấn – Uỷ viên Thường trực HĐTS, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng TƯ cùng chư tôn đức tổ đình Liên Phái.
Về phía chính quyền có bà Trần Thị Minh Nga – Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính Phủ; ông Vũ Ngọc Trìu – Phó Trưởng phòng an ninh Tôn giáo Cục an ninh nội địa Bộ Công An; bà Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Trưởng ban Tôn giáo Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Dung – Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQVN thành phố Hà Nội cùng quý vị lãnh đạo đại diện các cơ quan ban ngành, các nhà nghiên cứu, học giả.
Hòa thượng, Tiến sĩ Thích Gia Quang, Trụ trì chùa Liên Phái cho biết, Tổ Như Trừng Lân Giác (1696 – 1733), thế danh là Trịnh Thập, ngài là đời thứ 37 tông Lâm Tế. Ngài sinh ra trong gia đình quý tộc họ Trịnh tại kinh thành Thăng Long, triều vua Lê Hy Tông. Ngay từ thửa nhỏ, ngài đã tỏ ra là người thông minh, học rộng biết nhiều. Khi trưởng thành, lại hội đủ tài, đức. Nếu thời Trần có Sư tổ Trần Nhân Tông là người khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm thì vào thời hậu Lê có Thiền sư Như Trừng Lân Giác lập ra phái Liên Tông. Bắt nguồn từ giai thoại về hình tượng hoa sen thanh khiết đã thức tỉnh công tử Trịnh Thập “cải gia vi tự”, phát tâm xuất gia tu học với Thiền sư Chân Nguyên. Thời gian tu học, tuổi thọ của Ngài không cao nhưng Tổ Như Trừng Lân Giác đã để lại những di sản vật thể và phi vật thể đóng góp cho nền Phật giáo Việt Nam. Thụ nhận và liễu ngộ được phật pháp, Tổ Như Trừng Lân Giác đã nhiệt tình đem chính pháp hoằng truyền khắp nơi, phát triển đạo pháp và lợi lạc hữu tình cho chúng sinh bằng những liệu pháp “cứu sinh” thiết thực, có vai trò an tâm dưỡng đạo, lợi lạc cho cuộc sống của tha nhân.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ 2 nhóm chủ đề chính. Nhóm chủ đề 1 nói về Tổ Như Trừng Lân Giác: Cuộc đời và sự nghiệp. Nhóm chủ đề thứ 2: Sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Các ý kiến đã đề cập toàn diện các chủ đề của hội thảo, qua đó có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc đời, đạo nghiệp, hành trạng, những di sản và đóng góp của Tổ Như Trừng Lân Giác nói riêng, Sơn môn Liên Phái nói chung đối với dân tộc và đạo pháp.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Minh Nga nhận định rằng việc tổ chức hội thảo nhằm tưởng nhớ công lao của Thiền sư Như Trừng Lân Giác cũng như để nhìn nhận về những đóng góp của Tổ sư và Sơn môn Liên Phái cho Phật giáo Việt Nam, cho nền văn hóa Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự tri ân và báo ân đối với những bậc tiền nhân đi trước, đó là duy trì và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Hội thảo cũng là dịp để đánh giá, ghi nhận và phát huy những đóng góp và giá trị tích cực của Sơn môn Liên Phái trong đời sống xã hội. Sơn môn Liên Phái chính là nền tảng, là căn cốt cho sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam, là gốc rễ để duy trì và tiếp nối các truyền thông lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị theo thời gian. Thực tế Sơn môn nói chung, Sơn môn Liên Phái nói riêng có thể khác nhau về sắc thái, đường lối tu tập, có những quy định riêng nhưng đều có điểm chung là môi trường rất tốt để quản lý, giáo dục tăng ni, tu tập, rèn luyện, hành đạo, gìn giữ giới luật, duy trì mạng mạch Phật giáo.
NGUYỄN PHƯỢNG