Đông Đại Tự (Todaiji) là ngôi chùa bằng gỗ được xem là lớn nhất thế giới, được xây dựng tại thành phố Nara, Nhật Bản từ thế kỷ 8 bởi hoàng đế Shomu (743 – 751), trở thành một trong những thánh địa Phật giáo quan trọng nhất xứ sở Phù Tang.
Trải qua rất nhiều lần xây dựng, tu sửa, kích thước của chùa chỉ còn bằng hai phần ba so với Đông Đại tự nguyên thủy. Hiện, chùa còn lưu giữ những bức chạm khắc tinh vi, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc gỗ Nhật Bản cùng hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm được xếp loại Di sản Quốc gia..
Đông Đại tự (Todaiji) được UNESCO công nhận là “Quần thể đài tưởng niệm mang tính lịch sử của thời kỳ Kinh đô Nara” bao gồm các ngôi chùa, miếu thờ và những danh thắng khác cùng nằm trong cố cung Nara.
Nam Đại Môn (Nandaimon) của Đông Đại Tự (Todai-ji) được xây dựng từ năm 1199 theo đúng hình dáng như ngày nay. Cổng có 18 cột chống, mỗi chiếc cao 20 m với đường kính hơn 1m. Tượng Komoku-Ten, vị Hộ pháp trấn phía Nam, nằm bên trong Đại Phật điện.
Tượng gỗ Hộ pháp Nio đứng hai bên Nam Đại môn, mỗi tượng có chiều cao gần 8 mét, tuổi thọ trên 800 năm, được tạc khắc bởi người thợ chạm gỗ bậc thầy Unkei. Tượng được ghép bởi 3.115 mảnh gỗ.
Bức tượng Đại Phật (Daibutsu) được xem là bức tượng Phật bằng đồng mạ vàng lớn nhất thế giới – nằm trong một công trình làm hoàn toàn bằng gỗ – Daibutsu-den (Đại Phật Điện).
Theo thư tịch cổ, tượng gồm 40 phần ghép, đúc từ 443 tấn đồng, 7,560 kg sáp ong tinh khiết (để hàn), 440 kg vàng ròng và 200 kg thủy ngân. Tượng Phật có bộ tóc khá độc đáo, trông tựa như những vòng xoắn ốc, bao gồm 966 hình cầu có đường kính 18 cm và nhô cao khỏi đầu 30 cm. Tạo thành vòng hào quang bao quanh phía trên đầu tượng là những tượng Quan Âm Bồ Tát mạ vàng rực rỡ.
Quần thể chùa không chỉ đơn giản là khu vực Phật điện mà nó còn bao gồm hai ngôi tháp bảy tầng nằm ngay ngoài khu đại điện và một tu viện dành cho những thành viên tham gia hội phật tử của chùa cũng như du khách quốc tế. Toàn bộ các khuôn viên trong khu quần thể được thiết kế cân đối, đối xứng nhau và nối tiếp nhau trải dài theo một trục Bắc Nam duy nhất, đi qua Nam Đại Môn, khu vực phần Trung Môn đến Đại Phật diện và tu viện.
Theo Đồng Hoa/Petrotimes