Lễ Cầu Quốc thái dân an, hòa bình thế giới: Lan tỏa những giá trị của hòa bình

65

Chiều 16.10, tại Điện Tam Thế – chùa Bái Đính (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Uỷ ban hoà bình Việt Nam (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ Cầu Quốc thái dân an, hòa bình thế giới.


Đến dự có: Nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Hoà bình Việt Nam Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu; Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Giáo hội phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn; Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình… và đông đảo tăng ni, phật tử, du khách cùng tham gia cầu nguyện.


Phát biểu tại buổi chia sẻ thông tin về hòa bình, Chủ tịch Uỷ ban hoà bình Việt Nam Uông Chu Lưu cho biết: Hoà bình và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi quốc gia, dân tộc và mọi tầng lớp nhân dân trên khắp năm châu. Tuyên ngôn “Vì một thế giới hoà bình” của Liên hợp quốc là thông điệp chung nhắc nhở mỗi chúng ta từng ngày, rằng cần phải nỗ lực gìn giữ từng phút giây hoà bình: hoà bình trong chính mình, hoà bình xung quanh cộng đồng, hoà bình cho đất nước và hoà bình cho thế giới. Đối với Việt Nam, tinh thần hòa hiếu đã thấm sâu vào trong dòng máu của mỗi người dân nước Việt, cả trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, giữ vững môi trường hòa bình của khu vực và trên toàn thế giới cũng như trong đời sống thường nhật. Tinh thần ấy không bao giờ ngừng cháy mà nó luôn có sức thôi thúc, lan tỏa trong đời sống mỗi người dân Việt Nam. Và bất cứ ở đâu, dù có sóng to gió lớn thế nào, ngọn lửa ấy không những không tắt mà còn được thổi bùng mạnh mẽ.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa, chiến sĩ hòa bình số một của Việt Nam, đã chắt lọc và hình thành tư tưởng hòa bình, hữu nghị trong điều kiện mới. Người cho rằng hòa bình là lợi ích của tất cả các dân tộc, do đó phải đấu tranh cho hòa bình trên thế giới được bền vững. Người nói “Giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí”….

Ủy ban Hòa bình Việt Nam mong muốn, chương trình lễ cầu quốc thái dân an hòa bình thế giới là hoạt động ý nghĩa giúp lan tỏa những giá trị của hòa bình, làm cho những hạt giống hoà bình nảy mầm và sinh trưởng, vun đắp cho nền hoà bình mãi xanh tươi, mãi trường tồn; đóng góp cho xây dựng một đất nước Việt Nam thái bình, thịnh vượng và hùng mạnh, xây dựng một thế giới không còn chiến tranh.


Tại chương trình, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá cao hoạt động này có ý nghĩa. Đức phật đem đến tâm bình an mỗi người. Dẫn dắt ý nghĩa thông điệp của đạo phật gắn kết hòa bình, thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết: Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 2500 năm, đức Thế Tôn đã ra đời tại thành Ca Tỳ La (Kapila-vastu) thuộc nước Ấn Độ, mang theo bức thông điệp đề cao sự hiểu biết (trí tuệ) và lòng bao dung (từ bi) kêu gọi thực thi một xã hội bình đẳng, không có giai cấp. Có thể nói sự kết hợp hài hòa giữa bi và trí là biện pháp khả thi để cùng nhau giải quyết những bất đồng chính kiến giữa người với người, giữa chủng tộc với chủng tộc, giữa quốc gia với quốc gia trên thế giới. Hơn 2.500 năm lịch sử trôi qua không phải là thời gian ngắn, nó đủ để chứng minh Phật giáo là một tôn giáo chống chiến tranh, yêu chuộng hòa bình…

Thông qua chương trình, chúng ta cùng cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho thế giới hòa bình, chiến tranh chấm dứt, đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Lịch sử đã cho mỗi chúng ta ý thức về giá trị của hòa bình, về khổ đau của chiến tranh nên dù ở đâu xảy ra chiến tranh, ở đó đều là sự đau thương, mất mát, cần được bao phủ bởi thông điệp hòa bình. Trong tương lai, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn sẽ được phối hợp cùng Ủy ban Hòa bình Việt Nam, phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam để truyền đi thông điệp về hòa bình, truyền đi những giá trị và truyền thống văn hóa của Việt Nam.


Lễ cầu Quốc Thái dân an và hòa bình thế giới có các hoạt động chính như: Cung nghinh Chu tôn đức và đón tiếp đai biểu tại Điện Tam Thế, Lễ niêm hương và tụng kinh cầu nguyện, nghi thức dâng đăng.


Theo ban tổ chức, hoà bình và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi quốc gia, dân tộc và mọi tầng lớp nhân dân trên khắp năm châu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều bất ổn dưới tác động kép của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine. Tại thời điểm nền hoà bình chung đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, chương trình Lễ Cầu Quốc thái dân an, hoà bình thế giới mang đến nhiều giá trị thiết thực và ý nghĩa; giúp lan tỏa những giá trị của hòa bình, làm cho những hạt giống hoà bình nảy mầm và sinh trưởng, vun đắp cho nền hoà bình mãi xanh tươi, mãi trường tồn; đóng góp xây dựng một đất nước Việt Nam thái bình, thịnh vượng, hùng cường và một thế giới hòa bình, không còn chiến tranh, ổn định và phát triển.

Theo Đại Biểu HĐND