Hà Nội: Ra mắt Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam

11

Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam ra đời phục vụ việc sưu tầm các nguồn tư liệu về Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước; bảo quản, nghiên cứu phát huy giá trị của nguồn tư liệu trong đào tạo về phật giáo cho các tăng ni, phật tử, học viên, sinh viên…

Phát biểu tại lễ ra mắt, Hòa thượng. TS Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học cho biết: Các nguồn tư liệu về Phật giáo Việt Nam là di sản lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, tâm linh rất quan trọng. Đây là nguồn tài sản tri thức lớn của các bậc tôn túc tiền bối qua các thời kỳ đã dày công để lại, chứa đựng nhiều lớp thông tin có giá trị to lớn về văn hóa, tôn giáo, xã hội, tín ngưỡng, văn hiến, lịch sử, kiến trúc…

Việc ra mắt Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam sẽ góp phần thu thập, lưu trữ bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị của khối tư liệu Phật giáo sẽ mang lại những lợi ích to lớn trên nhiều phương diện, góp phần vào việc hoằng dương Phật pháp, lưu giữ và phát huy truyền thống văn hiến và giá trị to lớn của văn hóa Phật giáo nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung.

Cũng theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Trung tâm tư liệu ra đời nhằm mục đích sưu tầm các nguồn tư liệu về Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước, tiếp đến là bảo quản, nghiên cứu phát huy giá trị của nguồn tư liệu, phục vụ đào tạo cho các tăng ni, phật tử, học viên, sinh viên về Phật giáo nói chung và các kiến thức liên ngành liên quan đến Phật giáo nói riêng… Những mạch nguồn đó cũng là ý tưởng mà Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Giám đốc Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam đã ấp ủ từ lâu, nay mới đủ duyên để cùng bắt tay triển khai thực hiện trên thực tế.

Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam được thành lập với 32 thành viên do Thượng toạ Thích Tiến Đạt làm Giám đốc Trung tâm. Cùng với đó là quyết định thành lập Hội đồng cố vấn khoa học với 15 thành viên là chư tôn giáo phẩm lãnh đạo giáo hội Phật giáo cùng nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu uy tín tham gia vào Hội đồng.

Theo Đề án thành lập Trung tâm tư liệu Phật giáo, trong năm 2022 sẽ xây dựng dự án công nghệ thông tin truyền thông phục vụ Trung tâm, thực hiện số hoá tự liệu tại các tự viện…

Các năm tiếp đó sẽ kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, tổ chức các cuộc hội thảo về tư liệu Phật giáo; xây dựng Văn phòng Trung tâm vệ tinh tại 5 khu vực có nguồn tư liệu lớn như Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Giang, Nam Định, Thái Nguyên; xây dựng chương trình liên kết đào tạo với Viện Trần Nhân Tông tổ chức các lớp Hán Nôm, Kinh điển…

theo Thời Đại