Con đường Tơ lụa cổ đại gặp ‘mối nguy lớn’: Nhiều di sản hơn 1.000 năm tuổi có nguy cơ biến mất mãi mãi

43
Theo Washington Post, biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các di sản văn hóa tại các công trình quanh Con đường Tơ lụa ở Trung Quốc.

Rủi ro lớn

Washington Post dẫn một nghiên cứu mới đây cho biết, việc thời tiết thay đổi ở vùng Tây Bắc Trung Quốc đang đe dọa các bức tranh và tượng trong hang động trên Con đường tơ lụa cổ xưa. Điều này cho thấy việc khí hậu ngày càng ấm lên đang đe dọa một số hiện vật lịch sử quý giá nhất của nước này.

Theo kết luận từ nghiên cứu của Greenpeace, các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo trong hang động trên tỉnh Cam Túc đang gặp ngày càng nhiều rủi ro do khí hậu nóng hơn, ẩm ướt hơn và dễ bị mưa bất chợt.

“Cam Túc nổi tiếng với những hang động và tác phẩm nghệ thuật được lưu trữ trong nhiều thế kỷ”, Li Zhao, một nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh của Greenpeace Đông Á, nói. “Việc lượng mưa trong sa mạc đang tạo ra những rủi ro hiện hữu. Thay đổi đột ngột về độ ẩm, lũ lụt và hiện tượng sập hang động đang xảy ra”.

Trong hai thập kỷ qua, nhiệt độ ở Cam Túc đã tăng nhanh hơn so với trung bình toàn cầu. Đồng thời, lượng mưa mùa hè đã tăng lên trong khi tổng số ngày mưa đã giảm — điều này có nghĩa là khi trời mưa, trời thường mưa nhiều.

Thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng đã gây thiệt hại trong Hang Mạc Cao, một di sản thế giới UNESCO tại Đôn Hoàng, còn được gọi là Hang Nghìn Phật. UNESCO cho biết các bức tranh trong hang động, miêu tả chính trị, văn hóa, tôn giáo và cuộc sống hàng ngày từ thời xa xưa, có “giá trị lịch sử không gì có thể sánh bằng”.

Ngoài nguy cơ lũ lụt và rò rỉ, những trận mưa xối xả thường xuyên đang làm tăng độ ẩm trong Hang Mạc Cao, vượt quá ngưỡng an toàn cho công tác bảo tồn.

Mức độ hơi ẩm vượt quá 60% gây ra hiện tượng muối kết tinh và làm nứt các bức tường trong hang động, làm bong tróc các lớp sơn. Những bức tranh trên tường từ thế kỷ thứ 4 đang bị bong nhanh hơn – nghiên cứu cho hay.

Các bức tranh và tượng Phật trong hang động này, nằm ngay phía sau điểm cuối của Vạn Lý Trường Thành ở phía tây của sa mạc Gobi, cho biết một số thông tin về hoạt động mua bán sầm uất thời cổ xưa và ý tưởng đã tạo nên Con đường Tơ lụa cổ đại.

Trong vòng hàng ngàn năm bắt đầu từ thế kỷ thứ 4, việc các thương nhân và du khách gặp gỡ trong hang động đã được khắc vào những vách đá gần Đôn Hoàng, để lại những tác phẩm nghệ thuật được bảo tồn nhờ khí hậu sa mạc.

Nhưng mùa hè của khu vực này không còn yên bình hay khô ráo như trước.

Du khách tham quan Hang Mạc Cao, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc phía tây bắc Trung Quốc, vào ngày 8/6. Ảnh: Zhang Xiaoliang/Tân Hoa Xã/Getty Images

Trong Hang động Chùa Jinta, cách Hang Mạc Cao gần 500km, độ ẩm trong không khí đã tăng lên đến 93% trong một trận mưa lớn vào tháng 8 năm ngoái. Ở mức độ này, quá trình phân hủy, mục nát và xói mòn trở nên khó tránh.

Kể từ đó, một vết nứt đã xuất hiện trên cột chính ở giữa hang động, làm nước dễ thấm vào bên trong trong những trận mưa lớn.

Trong những năm gần đây, công chúng Trung Quốc đã ngày càng quan tâm hơn đến thời tiết cực đoan khi lũ lụt gây thiệt hại lớn và đợt nóng kỷ lục đã làm người dân hiểu rõ hơn sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu.

Nỗ lực bảo vệ các hang động ở Cam Túc đã được tiến hành trong nhiều thập kỷ, nhưng tới gần đây các nghiên cứu mới được bắt đầu để xem xét làm thế nào mà sự biến đổi môi trường làm cho công tác bảo tồn trở nên khó khăn hơn.

Cam Túc nổi tiếng là “quê hương của nghệ thuật hang động Trung Quốc”, đó là một ưu tiên đối với những nhà bảo tồn. Trong lịch sử và khảo cổ học Trung Quốc, các bức tranh trên tường, đền đài và tượng thần trong hang động có ý nghĩa tương đương với di tích Ai Cập cổ đại hoặc các kho báu vĩ đại khác của thế giới cổ đại.

Dự án quét và chụp ảnh các di vật đang được tiến hành để tạo ra phiên bản 3D và các chuyến tham quan thực tế ảo.

Công việc lâu dài này đã giúp các hang động Đôn Hoàng trở thành một trong những địa điểm được chuẩn bị tốt nhất để chống lại biến đổi khí hậu. Việc sử dụng cảm biến tiên tiến và các phương pháp kiểm soát môi trường là một phần trong việc cho phép các nhà nghiên cứu như Greenpeace đo lường tác động của thời tiết cực đoan.

Hang động ở Đôn Hoàng đã hưởng lợi từ những hợp tác kéo dài hàng thập kỷ giữa các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới và Học viện Đôn Hoàng, nơi quản lý nghiên cứu và bảo tồn cho các di tích ở khắp Cam Túc.

Khi mưa lớn và lũ lụt bất ngờ ập đến tỉnh Thiểm Tây vào tháng 10/2021, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng ít nhất có 1.763 di tích lịch sử bị ảnh hưởng, bao gồm chùa gỗ Yingxian, ngôi chùa gỗ cổ nhất của Trung Quốc.

Nước lũ tấn công 1 lối vào của Hang Mạc Cao. Ảnh: Sun Zhijun/Greenpeace East Asia

Cách hang động Đôn Hoàng khoảng gần 1.600km về phía đông nam là hang động Mạch Tích Sơn. Từ xa, chúng trông giống như một đống rơm khổng lồ – cái tên có nghĩa đen là “đồng rơm xếp chồng”.

Nghiên cứu được công bố vào năm ngoái bởi Đại học Tây Bắc tại Tây An đã chỉ ra rằng độ ẩm cao đã làm vi khuẩn phát triển mạnh và làm hư hại tường của các hang động tại địa điểm này. Trong các hang động có số thứ tự 32 và 127, hơn một nửa các bức tranh tường đã bị rơi xuống.

Với số lượng di vật văn hóa lớn đang đối mặt với nguy cơ và tính không thể dự đoán của biến đổi khí hậu, đôi khi phương án tốt nhất – và có lẽ là duy nhất – là chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất để đảm bảo không mất quá nhiều di sản cổ xưa.

Tất Đạt