Từ ngày 6 – 9/03/2022, Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM do TT. Thích Trí Chơn, Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng Ban văn hóa Phật giáo TP.HCM làm trưởng đoàn đã đến hai tỉnh miền Trung là Quảng Ngãi và Quảng Nam để trao tặng 20 căn nhà tình thương, 1 giếng nước và 1200 phần quà đến quý bà con khó khăn; đồng thời thăm viếng chư tôn đức Ban Trị sự Giáo hội hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, đảnh lễ bậc tôn đức và chiêm bái một số thánh tích, lễ phẩm cúng dường và quà tặng từ thiện trị giá là 1,7 tỷ đồng.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, đoàn đã đến Tổ đình Thiên Ấn thăm và dâng hương đảnh lễ chư vị Tổ sư, kế đó là tổ đình Thiên Phước, văn phòng Ban Trị sự Giáo hội huyện Mộ Đức.
Tại Quảng Nam, Đoàn đã đến đảnh lễ giác linh cố đại lão Hòa thượng Thích Thiện Duyên, phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, thăm Ban Trị sự Giáo hội tỉnh Quảng Nam tại chùa Đạo Nguyên và HT. Thích Thiện Thành, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tại chùa Hưng Quang. Đặc biệt đoàn đã đến thăm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Phật Viện Đồng Dương, một trong những trung tâm Phật học lớn nhất châu Á được hình thành từ 1300 năm trước, giờ chỉ còn là phế tích. Sau đó, đoàn đi thăm di sản văn hoá Thánh Địa Mỹ Sơn – khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới ngày 4/12/1999.
Trong chuyến đi thầy Trí Chơn cũng trò chuyện với đoàn: “Hai tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam là nơi phát tích của các bậc sư tổ, tiền nhân làm sáng ngời Phật giáo Nam bộ như: hòa thượng Chí Thiền (Phi Lai) ông tổ của Phật giáo miền Nam, Hòa thượng Khánh Anh, Thượng thủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, Pháp chủ Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam, hòa thượng Thích Trí Hữu, khai sơn chùa Ứng Quang, nay là tổ đình Ấn Quang. Vậy nên, chuyến đi này không chỉ là từ thiện mà còn là hành trình trở về quê hương tâm linh”.
Cây có cội, nước có nguồn, tri ân và báo là truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam nói chung và của Phật giáo Việt Nam nói riêng. Về thăm chốn Tổ, đảnh lễ, tưởng niệm công ơn sâu dày của chư vị Tổ sư tiền bối hữu công, thăm lại các di tích, thánh tích, chính là trở về nguồn cội, trở về ngôi nhà huyết thống, ngôi nhà tâm linh để tri ân tiên tổ đã một thời gian nan, hy sinh để lại bao công trình, kiến trúc, làm rạng danh Phật giáo, bảo tồn văn hoá đạo Phật đến hôm nay.
Tin, ảnh: Nhuận Bình, Trung Nhuận (Ban Văn Hóa GHPGVN TP.HCM)