Mở phòng lưu niệm nơi làm việc của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng tại Báo Giác Ngộ

87

PGTPHCM – Báo Giác Ngộ ngay sau khi có giấy phép hoạt động, ngày 1-12-1975, đã được bố trí về địa chỉ hiện nay – 85 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (trước đây lấy số 6A Lê Quý Đôn, Q.3).


Tại ngôi nhà là trụ sở tòa soạn Báo Giác Ngộ, từ năm 1975 cho tới nay đã chứng kiến sự thay đổi, những thăng trầm và bước chuyển giao lịch sử đối với tờ báo có thời gian hoạt động dài nhất so với nhiều tờ báo Phật giáo ở nước nhà, trong thế kỷ XX.

Tại đây, địa điểm lịch sử chứng kiến báo ra số đầu tiên, vào ngày đầu năm mới 1976; những nỗ lực để duy trì, phát triển, là tiếng nói của Phật giáo yêu nước; sau đó là cơ quan ngôn luận của GHPGVN TP.HCM, tiếng nói của Phật giáo Việt Nam.

Báo đồng hành cùng các bước vận động, làm yên lòng tín đồ Phật giáo sau ngày 30-4-1975, đồng thời là tiếng nói chính thức trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo nước nhà, tiến tới sự kiện thành lập GHPGVN (7-11-1981), sau đó đồng hành cùng các hoạt động của Giáo hội, Phật giáo cho đến nay.

Từ bán nguyệt san, với sự lãnh đạo của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng trong vai trò đầu tàu – Tổng Biên tập, báo đã chuyển mình thực sự.

Báo đã tăng kỳ trở thành tuần san, rồi phát hành thêm nguyệt san – phụ trương nghiên cứu Phật học, ra mắt Giác Ngộ online và hàng loạt các kênh thông tin.

Phòng làm việc của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng tại trụ sở tòa soạn Báo Giác Ngộ được gìn giữ làm không gian lưu niệm

Bên cạnh đó, nhiều chương trình hoạt động khác như Ban Từ thiện xã hội (từ 1996), chương trình Phật học hàm thụ (tiền thân của khoa Phật học đào tạo từ xa thuộc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM), các hoạt động tuổi trẻ, nhân văn ý nghĩa… liên tục được ra đời.

Diện mạo của báo cũng thay đổi qua việc kiến thiết toàn diện ngôi nhà cũ thành cơ sở như hiện có, vào năm 2005.

Trong trụ sở tòa soạn này, có một không gian nhỏ, khiêm tốn, là phòng làm việc của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng ở tầng 1, nay được giữ gìn để làm không gian lưu niệm về giai đoạn 32 năm ngài đảm nhiệm cương vị Tổng Biên tập, lãnh đạo Báo Giác Ngộ và chuyển giao cho thế hệ kế thừa vào tháng 11-2022.

Tại đây, chiếc bàn làm việc của Tổng Biên tập, từ lúc thành lập năm 1975, cư sĩ Võ Đình Cường, rồi đến Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, vẫn được giữ ở vị trí trung tâm; thêm vào đó là những hình ảnh lịch sử về hoạt động của báo, tòa soạn có sự hiện diện của lãnh đạo, từ các cuộc họp cho đến những sinh hoạt trí thức…

Không gian này được thiết kế, khai trương vào dịp sinh nhật lần thứ 48 của báo. “Đó không chỉ là ký ức, mà như một lời nhắc nhở về sứ mệnh và trách nhiệm, đồng thời cũng là niềm tự hào cho thế hệ kế thừa làm việc tại Báo Giác Ngộ”, như chia sẻ của Thượng tọa Thích Tâm Hải, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ đương nhiệm, khi tôn tạo không gian lưu niệm này.

Gắn liền với các vị lãnh đạo: Đại lão Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Hòa thượng Thích Giác Toàn, cư sĩ Võ Đình Cường, cư sĩ Tống Hồ Cầm…

Gắn liền với các vị lãnh đạo: Đại lão Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Hòa thượng Thích Giác Toàn, cư sĩ Võ Đình Cường, cư sĩ Tống Hồ Cầm…

Cùng thế hệ tiếp nối…

Đức Văn/Báo Giác Ngộ