Trung Quốc phục chế xong bàn chân tượng Phật 1.600 tuổi

24

Bàn chân của bức tượng Phật có niên đại từ 1.600 năm trước được chạm khắc trên vách hang động trên núi Thiên Thê bị hư hại do ngấm nước đã được trùng tu, khôi phục vẻ đẹp kỳ vĩ nguyên bản.


Sau hơn 1 năm trùng tu, công tác phục chế bàn chân của bức tượng Phật có niên đại từ 1.600 năm trước đã hoàn thành.

Công trình nằm trong hang động trên núi Thiên Thê, tỉnh Cam Túc, một trong những vùng đất có truyền thống thờ phụng nhiều tượng Phật nhất Trung Quốc.

Là một trong số những bức tượng Phật cổ nhất ở Trung Quốc, bức tượng Phật này được chạm khắc trên vách đá sa thạch đỏ bên cạnh một hồ nước tự nhiên.

Nhiều phần của bức tượng Phật đã bị hư hại do thấm nước bị rò rỉ từ hồ nước cũng như do chịu tác động của mưa nắng.

Theo ông Qiao Hai thuộc Học viện Đôn Hoàng, cơ quan tiến hành công tác phục chế, phần phục chế khó nhất là phần bàn chân bức tượng Phật, vốn bị ngấm nước nghiêm trọng.

Các nhân viên phục chế phải bơm hết nước trên nền ra và dỡ những tảng đá quanh bức tượng Phật, tháo dỡ những phần đá lung lay, xác định kích cỡ và đặc điểm ban đầu của bàn chân bị hư hại của tượng Phật rối mới tiến hành công tác phục chế.

Ông Qiao cho biết dự án này có thể giúp bảo vệ nền móng của bức tượng mang tính lịch sử này và khôi phục bức tượng Phật trở lại vẻ đẹp nguyên bản.

Các hang động ẩn tượng Phật trên núi Thiên Thê giống như hang động Vân Cương vốn được ví là kho tàng nghệ thuật điêu khắc tượng Phật vô giá và hang động Long Môn đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới, là một kho báu “cất giữ” số lượng lớn các tác phẩm điêu khắc Phật giáo cổ của Trung Quốc.

Các hang động này lần đầu tiên được xây dựng vào triều đại nhà Đông Tấn (317-420) và hiện được nằm dưới sự bảo vệ cấp quốc gia./.


Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)