Sáng nay, 21/11 (4-10-Đinh Dậu), phiên khai mạc Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII với chủ đề “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” đã được trọng thể tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội).
Quang lâm chứng minh và tham dự có Đức Pháp chủ GHPGVN – Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ; HT.Thích Đức Nghiệp, HT.Thích Giác Nhường, HT.Thích Trí Quảng – Đồng Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Thanh Dũng, Phó Thư ký HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thanh Nhiễu, HT.Thích Thiện Pháp – Đồng Phó Chủ tịch TT HĐTS GHPGVN; chư Tôn đức HĐCM, HĐTS GHPGVN, chư tôn giáo phẩm cùng đông đảo đại biểu Tăng Ni, Phật tử cả nước.
Cung nghinh Đức Pháp chủ GHPGVN – Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ quang lâm hội trường.
Cung nghinh chư Tôn đức và đại biểu quang lâm hội trường
Lãnh đạo Đảng và Nhà Nước
Ban Tổ chức vinh dự đón tiếp đại diện lãnh đạo Đảng, nhà nước: Ông Vương Đình Huệ – Phó Thủ tướng Chính Phủ; ông Nguyễn Văn An – Nguyên Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam; ông Phạm Thế Duyệt – Nguyên Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam; ông Hà Ngọc Chiến – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội; bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc Hội; bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương cùng về tham dự.
HT.Thích Thiện Nhơn phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN nhấn mạnh, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trải qua 36 năm trưởng thành và phát triển đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ VII (2012 – 2017). Giáo hội đã thành lập Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; Hoàn thành việc thành lập tổ chức Giáo hội hoạt động tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Nâng cao hiệu quả hoạt động Phật sự, phát huy tính chủ động sáng tạo trong công tác Phật sự của các Ban, Viện Trung ương, nhất là các Ban mới thành lập trong nhiệm kỳ VII.
Mục tiêu của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, thể hiện quyết tâm của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật, nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, bản lĩnh nhập thế, hội nhập của Phật giáo Việt Nam để xây dựng Giáo hội phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc, kiên định theo lý tưởng: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Đại diện lãnh đạo Đảng, nhà nước, ông Vương Đình Huệ, ông Trần Thanh Mẫn đã có lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Đức Pháp chủ GHPGVN – Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ.
TT.Thích Đức Thiện đọc báo cáo
Thay mặt Ban Thư ký HĐTS GHPGVN, TT.Thích Đức Thiện, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN đọc báo cáo tổng kết các hoạt động Phật sự của GHPGVN nhiệm kỳ VII (2012 – 2017) và phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022). Theo đó, trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết, phụng đạo yêu nước, kế thừa truyền thống 2000 năm Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng nhân dân cả nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, từng bước phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội và ngoại giao.
Trên cơ sở chương trình hoạt động nhiệm kỳ VII, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kiện toàn hệ thống tổ chức, gồm 03 cấp hành chính Giáo hội, với 63 đơn vị Phật giáo cấp tỉnh, thành; hàng trăm đơn vị Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh; 13 Ban, Viện Trung ương; 89 thành viên Hội đồng Chứng minh, 199 Ủy viên Hội đồng Trị sự chính thức và 61 Ủy viên dự khuyết. Nhiều Phật sự quan trọng đã được triển khai và đạt kết quả tốt đẹp, như tổ chức Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm, Lễ hội Văn hóa Phật giáo, công tác ngoại giao mang tầm vóc quốc gia, quốc tế và khu vực .v.v… cho đến các hoạt động chuyên ngành như Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Nghi lễ, Văn hóa, Kinh tế Tài chính, Từ thiện xã hội, Phật giáo quốc tế, Nghiên cứu Phật học, Thông tin Truyền thông. Giáo hội đã công nhận 08 Hội Phật tử Việt Nam tại các nước, gồm Cộng hòa Liên Bang Nga, Đức, Séc, Hungary, Ba Lan, Ucraina, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Về mặt tổ chức, thực hiện Nghị quyết Đại hội VII GHPGVN, các kỳ Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Nghị quyết Hội nghị Thường niên, Trung ương Giáo hội đã ban hành nhiều Thông tư, Thông bạch và các văn kiện có liên quan như tổ chức Đại lễ Phật đản, An cư Kiết hạ, Lễ hội Phật giáo, Hội thảo chuyên ngành của các Ban, Viện Trung ương Giáo hội, v.v..
Theo báo cáo của 63 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố, Ban Tăng sự Trung ương đã thống kê số lượng Tăng Ni, Tự viện tương đối cụ thể như sau: Tăng Ni: 53.941 vị, gồm: 38.629 Bắc tông; 8.574 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ); 4.984 Khất sĩ. Về Tự Viện có 18.466 ngôi, gồm: 15.846 Tự viện Bắc Tông; 454 chùa Nam Tông Khmer; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 NPĐ, 54 Tự viện Phật giáo người Hoa.
Về công tác tổ chức An cư Kiết hạ, Hằng năm, Trung ương Giáo hội đều có thông bạch hướng dẫn các đơn vị Phật giáo các tỉnh thành tổ chức An cư Kiết hạ. Mỗi năm có khoảng 45.000 Tăng Ni an cư tập trung và Tăng Ni an cư tại chỗ, trong tinh thần hòa hợp đoàn kết, không phân biệt Sơn môn, Hệ phái.
Đáp ứng yêu cầu thọ giới tu học, hành đạo của Tăng Ni và để trang nghiêm ngôi Tam bảo, Trung ương Giáo hội đã cho phép 42/63 Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành tổ chức 71 Đại giới đàn, có 24.959 giới tử thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni, Thức xoa, Sa di, Sa di ni và hàng ngàn giới tử phát nguyện thọ thập thiện và Bồ Tát giới. Các Đại giới đàn đều được tổ chức nghiêm túc đúng theo quy phạm Thiền gia.
Về công tác Hoằng pháp, Với một đội ngũ Tăng Ni năng động và nhiệt huyết, Đoàn Giảng sư Trung ương và các tỉnh đã có nhiều hoạt động Phật sự hữu hiệu như: Thuyết giảng tại các lễ hội Phật giáo, các sự kiện do Giáo hội tổ chức, thuyết giảng tại các lễ đài tập trung mùa Phật đản, các Trường hạ, thuyết giảng tại các giảng đường, các đạo tràng, các khóa tu dành Phật tử, giảng dạy tại các lớp giáo lý v.v…
Thực hiện tinh thần tứ chúng đồng tu của người con Phật trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và các tỉnh, thành đã tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII; Quy chế hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Nội quy Gia đình Phật tử, Nội quy Phân ban Cư sĩ Phật tử và nhiều văn bản liên quan khác, góp phần hoàn thành chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Về công tác bảo tồn, trùng tu cơ sở Phật giáo, được sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan, trong thời gian qua các cơ sở của Giáo hội từ các Tự viện, Tổ đình, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường, trụ sở Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành, các cơ sở Học viện Phật giáo Việt Nam, cơ sở Trường Trung cấp Phật học hầu hết được trùng tu hoặc xây mới, góp phần trang nghiêm hàng ngàn cơ sở, danh lam cổ tự trong cả nước.
Công tác từ thiện xã hội là những hoạt động Phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội. Tổng cộng công tác cứu trợ trong nhiệm kỳ VII là 6.838.199.841.000đ (Sáu ngàn tám trăm ba mươi tám tỷ một trăm chín mươi chín triệu tám trăm bốn mươi mốt ngàn đồng).
Trong nhiệm kỳ tới, GHPGVN sẽ nêu cao kỷ cương, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế, và pháp luật Nhà nước trong quản lý Tăng Ni, tự viện. Lấy nguyên tắc Lục hòa cộng trụ, Tứ nhiếp pháp trong điều hành, triển khai các hoạt động Phật sự ở tất cả các cấp Giáo hội. Tiếp tục xây dựng tổ chức Giáo hội vững mạnh ở tất cả các địa phương. Nâng cao hiệu quả điều hành, năng lực hoạt động Phật sự của các Ban Trị sự tỉnh, thành phố. Chú trọng việc thành lập các Ban Trị sự cấp huyện ở Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh có vùng miền núi, hải đảo.
Lấy việc tu tập pháp hành của Tăng Ni, Phật tử là nhiệm vụ trọng tâm trong hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cấp bách hiện nay của các tầng lớp trong xã hội.
Thống nhất quản lý chương trình giáo dục đào tạo Phật giáo trong toàn hệ thống các trường đào tạo của Giáo hội theo từng cấp học. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục Phật giáo. Đề cao quá trình tu tập trong quá trình đào tạo và coi trọng đạo hạnh, kỹ năng hoằng pháp, trụ trì là tiêu chuẩn chất lượng đào tạo.
Ông Vương Đình Huệ phát biểu chúc mừng Đại hội
Thủ tướng tặng GHPGVN bức trướng
Đại diện lãnh đạo Đảng, nhà nước, ông Vương Đình Huệ – Phó Thủ tướng Chính Phủ phát biểu chúc mừng Đại hội. Ông biểu dương những hoạt động Phật sự trong thời gian qua của GHPGVN . Qua 5 năm hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành tựu được nhiều Phật sự trọng đại. Có được những thành tựu đó chính là do Giáo hội có đường hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp với Đạo pháp, Dân tộc trong xu thế phát triển của xã hội và thời đại. Ông tin tưởng nhiệm kỳ tới, toàn thể Tăng ni, Phật tử Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết cùng các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững.
Ông Trần Thanh Mẫn phát biểu chúc mừng Đại hội
Nhân dịp này, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Bằng khen cho tập thể, cá nhân GHPGVN đã có những đóng góp tích cực cho các hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ qua.
Chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo cao cấp của Giáo hội đón nhận huy chương Lao Động của nhà nước do Phó Thủ Tướng chính phủ Vương Đình Huệ trao tặng.