Trang nghiêm tưởng niệm lần thứ 12 ngày Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Nhơn viên tịch

61

PTPHCM – Sáng ngày 11/4/2025 (nhằm ngày 14 tháng 3 năm Ất Tỵ), trong không khí trang nghiêm và thanh tịnh, tại Tổ đường Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP.HCM), Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM phối hợp cùng Trung ương GHPGVN đã trọng thể tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 12 ngày viên tịch của Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Nhơn – bậc cao Tăng khả kính, vị Thạch trụ vững vàng của Giáo hội.

Buổi lễ có sự quang lâm chứng minh và dâng hương tưởng niệm của Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, cùng chư vị Trưởng lão Hòa thượng Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, chư Tôn đức lãnh đạo các ban ngành Trung ương, Ban Trị sự 21 quận huyện và TP.Thủ Đức, cùng đông đảo Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài TP.HCM đồng về tham dự.

Sau nghi thức cung thỉnh chư Tôn đức quang lâm Tổ đường, toàn thể đại chúng đã trang nghiêm niêm hương, nhất tâm tụng Bát-nhã Tâm kinh và dâng nén tâm hương tưởng niệm cố Trưởng lão Hòa thượng.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Nhơn, thế danh Nguyễn Văn Sáu, sinh năm 1926 tại Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), sớm bén duyên với cửa thiền, xuất gia tại tổ đình Phi Lai, và được truyền pháp thuộc dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Với đạo phong chân chất, từ bi và kiên định, Hòa thượng không chỉ là một bậc mô phạm nơi thiền môn mà còn là người thầy lớn trong lòng Tăng Ni, Phật tử cả nước.

Trên hành trình hành đạo, Hòa thượng từng đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng trong Giáo hội. Dù ở cương vị nào, Ngài cũng luôn lấy giới luật làm gốc, lấy đạo hạnh làm nền và đem hết tâm lực phụng sự cho sự nghiệp thống nhất Giáo hội, giáo dục Tăng tài và hoằng pháp lợi sinh.

Ngài viên tịch vào ngày 25/4/2013 (nhằm ngày 16 tháng 3 năm Quý Tỵ), thọ 88 năm, hạ lạp 68. Sự viên tịch của Ngài là sự vắng bóng một bậc long tượng thiền môn, nhưng cũng là sự lan tỏa tiếp nối những giá trị đạo hạnh, khiêm cung và phụng sự mà Ngài để lại.

Lễ tưởng niệm lần thứ 12 không chỉ là dịp để ôn lại đạo nghiệp cao cả của Trưởng lão Hòa thượng mà còn là cơ hội cho Tăng Ni, Phật tử lắng lòng chiêm nghiệm về hạnh nguyện của người xuất gia chân chính – dấn thân không mệt mỏi, sống một đời thanh bần, giữ giới nghiêm minh, lấy lợi ích chúng sinh làm sự nghiệp.

NT (Ảnh: HOÀNG GIANG)