Trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức (1963 – 2018)

99

Sáng ngày 6/3/2018 (20-4 Muật Tuất) tại Việt Nam Quốc Tự Q.10,TP.HCM, Trung ương Giáo Hội PGVN kết hợp cùng Ban trị sự GHPGVN TP.HCM trang nghiêm và long trọng tổ chức Lễ Tưởng Niệm 55 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, hiệp kỵ chư Thánh tử  Đạo đã hy sinh cho Đạo pháp và Dân tộc.

Quang lâm tham dự buổi lễ có Chư tôn đức giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN như: HT.Thích Trí Quảng, phó Pháp Chủ kiêm Giám luật HĐCM, trưởng Ban trị sự PG TP.HCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Như Niệm, Ủy viên TT HĐCM, HT.Thích Thiện Pháp, phó Chủ tịch TT HĐTS kiêm Trưởng Ban Tăng sự T.Ư GH;… Ngoài ra, còn có sự hiện diện của Chư tôn đức các Ban viện T.Ư GH; Ban trị sự PG TP.HCM, 24 quận huyện.

Toàn cảnh buổi lễ

Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN, GHPGVN TP.HCM

Lãnh đạo chính quyền Thành Phố

Về phía chính quyền có: ông Lê Thanh Hải, nguyên UV Bộ Chính trị, nguyên Bí Thư Thành ủy TP.HCM; bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP; ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP; ông Võ Văn Thiện, Trưởng ban Công tác phía Nam UBTƯ MTTQVN; bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UB MTTQVN TP; cùng các Sở, ban ngành TP, Quận ủy, UBND, HĐND, UBMTTQVN quận 10; đại diện các ban, ngành Trung ương, TP.HCM.

Tại buổi lễ, thay mặt cho Chư tôn Hòa thượng chứng minh, Chủ tịch HĐTS HT.Thích Thiện Nhơn đã cung tuyên tiểu sự và công hạnh của Bồ tát Thích Quảng Đức.

HT.Thích Thiện Nhơn tuyên đọc tiểu sử Bồ tát Thích Quảng Đức

Tiểu sử ghi rõ, Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Năm 20 tuổi Ngài thọ giới Tỳ Kheo và Bồ Tát, được pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, pháp hiệu Quảng Đức.

Năm 1943, rời Khánh Hòa vào Nam, Ngài hành đạo khắp các tỉnh Sàigòn, Gia Định, Định Tường xuống đến Hà Tiên. Ngài cũng đã từng sang Nam Vang lưu trú ba năm, vừa giáo hóa các Phật tử kiều bào, vừa nghiên cứu kinh điển PàLi và Phật giáo Nam Tông. Năm 1953, Ngài được thỉnh cử vào chức vụ Phó Trị Sự và Trưởng ban Nghi lễ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, đồng thời lãnh nhiệm vụ trú trì chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Phật Học Nam Việt…

Trong phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam vào năm 1963 đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, tuy tuổi đã già, Ngài vẫn tích cực tham gia. Chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp Phật tử của Ngô Đình Diệm ngày một nặng nề và khốc liệt. Máu Phật tử đã đổ ở Đài Phát Thanh Huế. Chùa chiền bị phong tỏa, Phật tử bị bắt bớ khắp nơi. Để thức tỉnh ông Ngô Đình Diệm và tập đoàn của ông đang đắm chìm trong vô minh sớm thỏa mãn 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ, đồng thời để cho thế giới nhận thấy cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng của Phật tử Việt Nam là chính đáng, ngày 20 tháng 4 năm Quý Mão, tức ngày 11-6-1963 Ngài đã thực hiện tâm nguyện là thiêu đốt nhục thân để cúng dường và bảo vệ Đạo pháp.

Nhục thân của Ngài được đưa vào lò điện thiêu đến 4.000 độ – xương thịt cháy tiêu hết. Duy chỉ có trái tim của Ngài vẫn còn nguyên, được thiêu lần thứ hai vẫn không cháy.

Sự hy sinh phi phàm của Bồ Tát Thích Quảng Đức đã làm chấn động dư luận khắp hoàn cầu. Báo chí thế giới đăng tin lên trang đầu cùng hình ảnh tự thiêu của Ngài. Việc Ngài tự thiêu, được đồng bào cả nước biết ngay chiều hôm đó, và đã gây xúc động sâu xa trong mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo. Sự hy sinh vì đạo của Ngài đã làm cho Ngô Đình Diệm vô cùng hoảng hốt và lo sợ, tìm mọi cách đối phó với Phật giáo bằng những thủ đoạn thâm độc hơn, đồng thời nó cũng đẩy mạnh phong trào đấu tranh của Phật giáo cuồn cuộn như sóng thần để đi đến kết thúc là ngày 01-11-1963 chế độ độc tài, gia đình trị của họ Ngô sụp đổ, Phật giáo Việt Nam thoát qua một pháp nạn.

Bằng tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi của đạo Phật, Bồ tát Thích Quảng Đức đã nêu cao gương hy sinh cao cả và tinh thần yêu nước trong sáng vì đồng bào, đồng đạo, nhất là sự tồn vong của Đạo pháp và tự do tín ngưỡng, bình đẳng giữa các tôn giáo, Bồ tát đã mượn ngọn lửa thiêng để tự thiêu thân bảo tồn Phật pháp vào sáng ngày 20 tháng 4 nhuận năm Quý Mão giữa đại lộ Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng 8, Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh. Chính ngọn lửa thiêng hùng tráng, từ bi cao ngất tòa sen, đã nâng hình hài Bồ tát vào thế giới bất diệt, hình ảnh ấy đã in đậm trong ký ức của tăng, ni, phật tử Việt Nam và nhân loại trên thế giới, cùng trang sử vàng son của Phật giáo Việt Nam.

…Với trái tim bất diệt, trái tim biểu thị của sự kết tinh bao nghị lực kiên cường, lòng quả cảm bất khuất trung kiên, bằng tinh thần, ý chí, hồn thiêng sông núi của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, đã hun đúc nên con người Thích Quảng Đức, là một kỷ vật vô cùng quý báu mà Ngài đã để lại cho tăng, ni, phật tử chúng ta, đã trở thành gia bảo chung của Phật giáo Việt Nam. Quả tim bất diệt ấy là đóa hoa sen tươi thắm bất nhiễm, là viên ngọc vô giá, long lanh như ngọc lưu ly thanh tịnh đã được nung đến độ cao của lửa thế gian hữu hạn, nhưng vẫn sáng ngời sắc thái tự nhiên bất diệt giữa lòng các pháp hữu vi giả tạm.

HT.Thích Trí Quảng – Phó pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM dâng lời tưởng niệm

Tiếp đó, HT.Thích Trí Quảng thay mặt TƯGH, BTS GHPGVN TP dâng lời tưởng niệm. Thắm thoát, 55 năm đã trôi qua, lịch sử có sang trang, nhưng công đức mà Bồ tát và chư Thánh tử Đạo sẽ còn sống mãi trong lòng người con Phật Việt Nam và lịch sử Phật giáo Việt Nam cùng thế giới. Đặc biệt, tháp tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức tại chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc) giữa lòng Thủ đô Hà Nội, cũng như con đường được mang tên Thích Quảng Đức, chạy ngang qua chùa Quán Thế Âm, quận Phú Nhuận và tượng đài công viên Bồ tát Thích Quảng Đức tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh nơi đây Bồ tát đã tự thiêu thân bảo tồn Đạo pháp, là một minh chứng hùng hồn cho lịch sử. Quả thực: “Muôn kiếp uy nghi nhìn bảo tượng. Khói vẽ nên hình bóng vĩ nhân. Giáo hội kính ghi công đạo hạnh. Thế gian còn nhớ bậc Chân nhân”.

Với trái tim bất diệt, nhiệm mầu, trái tim biểu thị của sự kết tinh bao nghị lực kiên cường, lòng quả cảm bất khuất trung kiên, bằng tinh thần, ý chí, hồn thiêng sông núi của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, đã hun đúc nên con người Thích Quảng Đức, là một kỷ vật vô cùng quý báu mà Ngài đã để lại cho Tăng Ni, Phật tử chúng ta, đã trở thành bảo vật chung của Quốc gia Dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam.

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, chư tôn đức lãnh đạo Giáo Hội và quý quan khách dâng hương, tụng kinh tưởng niệm trước linh đài Bồ Tát Thích Quảng Đức cùng chư vị Thánh tử đạo hy sinh cho đạo pháp và dân tộc.

HT.Thích Thiện Tánh – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM đã thay mặt Ban tổ chức gửi lời tri ân đến chư tôn đức, quý cơ ban ngành chính quyền Trung ương, TP đã đến tham dự buổi lễ.

B.N – Đ.Huy