Trang nghiêm lễ húy nhật Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Phó Pháp chủ GHPGVN

154

Sáng 3/11 (nhằm ngày 10/10/Nhâm Dần), tại chùa Hưng Phước (Quận 3) diễn ra lễ húy nhật Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Phó Pháp chủ GHPGVN, viện chủ chùa Hưng Phước, chùa Pháp Thành (Bến Tre).


Quang lâm chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Đức Nghiệp -Phó Pháp chủ GHPGVN; Hòa thượng Thích Như Niệm – Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Hòa thượng Thích Như Tín – đồng Thành viên Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thiện Tánh – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Cố vấn Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Hòa thượng Thích Huệ Trí – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương; Hòa thượng Thích Thiện Đức – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Hòa thượng Thích Nhựt Tấn – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre; chư tôn đức các ban ngành, viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM và các tỉnh thành.

Tại giác linh đài, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam dâng hương tưởng niệm đến đạo hạnh cao dày của Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp một đời phụng sự cho Đạo pháp và Dân tộc.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp, thế danh Từ Văn Ngưu, tên thường dùng Trần Như Ngọc, sinh năm 1933 (Qúy Dậu) tại xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Trưởng lão Hòa thượng là con thứ trong gia đình có 4 anh chị em; thân phụ là cụ ông Từ Thế Nhạn, cụ bà là Phan Thị Kim.

Trưởng lão Hòa thượng có sẵn duyên lành với Phật pháp, từ nhỏ đã ở chùa Mỹ Thành, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre do bà nội làm trụ trì. Năm 10 tuổi (1943), Trưởng lão Hòa thượng xuất gia với Tổ Khánh Thông – pháp húy Như Tín, thuộc Thiền phái Lâm Tế gia phổ đời thứ 39. Sau khi Tổ Khánh Thông viên tịch, Trưởng lão Hòa thượng cầu pháp với Hòa thượng Vĩnh Huệ – pháp húy Hồng Phước, được ban pháp hiệu là Nhựt Sáng, thuộc Thiền phái Lâm Tế gia phổ đời thứ 41.

Sau khi tốt nghiệp Tiểu học, từ năm 1945 – 1950, Trưởng lão Hòa thượng cầu học Phật pháp với quý Hòa thượng Vĩnh Từ, chùa Khải Tường; Hòa thượng Vĩnh Pháp, chùa Linh Phước, Ba Tri, Bến Tre; Hòa thượng Hiển Pháp, chùa Phước Duyên, Mỹ Tho.

Năm 1951, Trưởng lão Hòa thượng đăng đàn thọ giới Sa-di tại chùa Bạch Liên, Tân Thạnh, Rạch Miễu, Mỹ Tho. Năm 1953, Trưởng lão Hòa thượng đăng đàn thọ giới Cụ túc tại chùa Pháp Liên, Cần Giuộc, Long An.

Qua từng giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng đã giữ nhiều cương vị khác nhau, nhưng đều chu toàn Phật sự. Ngài đã thí giới khai tâm cho nhiều thế hệ Tăng Ni hậu học, làm Đường đầu Hòa thượng truyền trao giới pháp cho hàng ngàn giới tử tại Đại giới đàn tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Cà Mau và Bình Dương, cũng như chứng minh, ban đạo từ cho hầu hết các lễ hội, khóa học, sự kiện quan trọng của các cấp Giáo hội từ trung ương đến địa phương; Ngài thăm và làm việc, cũng như chủ trì nhiều buổi làm việc, tiếp nhiều vị chính khách quốc tế đến thăm và làm việc với Giáo hội. Những nơi ngài đến, những vị khách được ngài tiếp đều nhận được tình cảm thân thiết thắm tình. Thông qua đó, hình ảnh và đất nước con người Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đã được bạn bè quốc tế hiểu hơn và đánh giá cao.

Trưởng lão Hòa thượng đã kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, dù ở cương vị nào Ngài đều có nhiều đóng góp quan trọng đối với các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội. Trưởng lão Hòa thượng đã cùng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội đi đến nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để cùng trao đổi và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc kiện toàn tổ chức, nhân sự Giáo hội tại địa phương, phục hồi các hoạt động Phật sự đúng Chính pháp tại các cơ sở tự viện; kêu gọi công đức trùng tu các cơ sở tự viện bị xuống cấp, động viên Tăng Ni, Phật tử yên tâm hành đạo và tích cực tham gia lao động sản xuất, ổn định đời sống tu hành; tiếp Tăng độ chúng, quy y Tam bảo cho Phật tử.

Với những đóng góp to lớn đối với Đạo pháp và Dân tộc, Trưởng lão Hòa thượng luôn được Tăng Ni, Phật tử, nhân dân quý mến và tin tưởng. Ngài được Trung ương Giáo hội công cử làm đại diện giới Tăng Ni, Phật tử tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa VI, XI và là thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Dù ở vị trí, cương vị nào, Trưởng lão Hòa thượng luôn nhận được tình cảm kính trọng đặc biệt của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như cộng đồng xã hội.

Quả thật, Trưởng lão Hòa thượng là tấm gương sáng tốt đạo đẹp đời của hôm nay và mai sau. Mặc dù đảm nhiệm cương vị khác nhau của Giáo hội qua các thời kỳ trước và sau năm 1975, trụ trì nhiều chùa, ngài luôn dành nhiều tâm huyết cho công tác Phật sự của Giáo hội, lo tu bổ, tôn tạo chùa chiền ngày một khang trang tú lệ, mái lá giờ thành chốn tòng lâm huy hoàng.

Định luật vô thường không hẹn cùng ai, Trưởng lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch vào lúc 10giờ 45phút, ngày 16 tháng 11 năm Mậu Tuất (nhằm ngày 10 tháng 10 năm 2018) tại chùa Hưng Phước, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Trụ thế: 86 tuổi, Hạ lạp: 66 năm.

Trước đó, chiều 2/11/2022, chư tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Văn phòng II TƯ GHPGVN, BTS GHPGVN TP.Hồ Chí Minh và các Ban ngành, Viện, BTS Phật giáo TP. Thủ Đức và 21 quận huyện cũng đến dâng hương tưởng niệm đến Trưởng lão Phó Pháp chủ GHPGVN Thích Hiển Pháp.

Hòa thượng Thích Thiện Pháp – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN dâng hưởng tưởng niệm
Hòa thượng Thích Giác Toàn – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN thành kính tưởng niệm
Thượng tọa Thích Thiện Thống – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN dâng hương tưởng niệm
Thượng tọa Thích Thiện Quý – UV HĐTS, Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN TP.HCM, Thượng tọa Thích Trung Nguyện – UV HĐTS, Phó Chánh Thư ký kiêm Chánh Văn phòng BTS GHPGVN TP.HCM cùng chư tôn đức Văn phòng BTS GHPGVN TP.HCM dâng hương tưởng niệm
Chư tôn đức Thường trực đại diện BTS GHPGVN Quận 3 thành kính tưởng niệm

Diệu Thạnh (Ảnh: Phước Toàn)