TP.HCM: Trang nghiêm lễ Tắm Phật tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM

298

Nhằm thể hiện sự thành kính đến đấng từ phụ, đức Phật Thích Ca Mâu-ni, người khai sinh đạo Phật, sáng ngày 22/05/2021 (nhằm ngày 11/04 Tân Sửu), Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (HVPGVN tại TP.HCM) long trọng tổ chức Lễ Phật đản lần thứ 2645 năm (PL.2565 – DL.2021), tại cơ sở II (14 Mai Bá Hương, ấp 1, huyện Bình Chánh) – nơi tu học nội trú của Tăng Ni sinh đang theo học chương trình cử nhân Phật học tại Học viện.

Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh của Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng, đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Viện trưởng của Học viện, đồng thời có sự tham dự của Hội đồng Điều hành và Tăng Ni đang tu học nội trú tại Học viện.

Trước khi tiến hành nghi thức thiêng liêng – tắm Phật, HT. Thích Trí Quảng nhắn nhủ: “Ý nghĩa của ngày Vesak đối với chúng ta vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Chúng ta biết đức Phật Thích Ca Mâu-ni trên 2 phương diện gồm lịch sử và tâm linh. Về phần tâm linh, những người nào có căn lành, có niềm tin mới nhận ra được chánh pháp của Ngài. Đó cũng chính là lý do hướng Tăng Ni chúng ta thực tập để thấy được những gì đức Phật đã từng thấy… Trên bước đường tu tập của chúng ta, điều quan trọng nhất là phá tan phiền não ma…”

Trong lời pháp nhũ, Hòa thượng Viện trưởng đã chia sẻ một số vấn đề xoay quanh câu chuyện Thái tử Tất-đạt-đa được sinh ra tại vườn Lâm-tỳ-ni. Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh về niềm tin vào đức Thế Tôn. “Bằng chân tâm, chúng ta mới thấy được căn lành của mình” – Hòa thượng dặn dò. Bên cạnh đó, Hòa thượng mong rằng tất cả Tăng Ni trong Học viện suy nghĩa sâu hơn, xa hơn để thấy chánh pháp của đức Phật và ứng dụng nó vào đời sống.

Nghi thức Phật đản được tiến hành dưới sự chủ trì của Trưởng lão Hòa thượng Viện trưởng với nghi thức niệm hương và tụng Sám Phật đản.

Trong lời ngân vang của bài kệ tắm Phật, HT. Thích Trí Quảng nâng gáo nước đầu tiên, thành kính thực hiện nghi thức tắm Phật. Nghi thức quan trọng này cũng được Hội đồng Điều hành và các Tăng Ni sinh lần lượt thực hiện ngay sau đó. Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, nghi thức tắm Phật có nhiều ý nghĩa, quan trọng nhất là tẩy tịnh não phiền, thanh lọc tâm.

Ngày trăng tròn tháng Vesak gắn liền với 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đức Phật: Sự đản sinh, thành đạo và nhập Niết-bàn. Vì thế, đây còn là dịp để quý Tăng, Ni tưởng nhớ về cuộc đời của bậc đạo sư vĩ đại bậc nhất, bằng trí tuệ, đạo đức, Ngài đã chỉ ra con đường chấm dứt khổ đau, mang lại an vui, hạnh phúc cho con người.

Tin: Bảo Tiên; Ảnh: Ngộ Trí Thuận