Đức Pháp chủ GHPGVN nhiễu tháp, dâng hương tưởng niệm cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh

448

PGTPHCM – Sáng nay 03/02 (13 tháng giêng, Quý Mão), tại chùa Long Quang (30/2 Phan Văn Hớn, Xuân Thới Thượng, Học Môn), Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hòa thượng Thích Trí Quảng đã đến dâng hương tưởng niệm lễ húy kỵ lần thứ 50, ngày Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh – nguyên Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt; nguyên Chứng minh Đạo sư Giáo hội Lục hòa Tăng – Lục hòa Phật tử Việt Nam; trụ trì tổ đình Linh Nguyên (Đức Hòa), tổ đình Long Quang (Hóc Môn), chùa Giác Ngộ (quận 10), chùa Long Nguyên (quận 6), chùa Thiền Lâm (Hóc Môn) viên tịch.


Tháp tùng với Đức Đệ tứ Pháp chủ có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Pháp chế Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, Hòa thượng Thích Lệ Trang – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, cùng chư tôn đức Hội đồng Trị sự GHPGVN, chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN huyện Hóc Môn, cùng Tông môn, Phật tử Tổ đình Linh Nguyên, Tổ đình Long Quang đồng tham dự.

Trong không khí trang nghiêm, Đức Pháp chủ đã niêm hương và nhiễu tháp Hòa thượng thượng Đạt hạ Thanh, đồng thời dâng hương lễ Tổ, lễ Phật tại chánh điện chùa Long Quang.

Tại Chánh điện chùa Long Nguyên, Đức Pháp chủ đã ôn lại tiểu sử về cuộc đời và đạo nghiệp của Hòa thượng Thích Đạt Thanh khi còn tại thế.

Theo Đức Pháp chủ, Hòa thượng Thích Đạt Thanh là một bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam, ngài tu học và hành đạo trong những giai đoạn biến động đầy nhiễu nhương của dân tộc và đạo pháp. Là một nhà yêu nước, ngài từng tham gia phong trào Thiên Địa hội và bị thực dân Pháp kết án tù đày ra Côn Đảo. Là một trong những lãnh đạo Phật giáo vận động kết nối Phật giáo ba miền, với vai trò Thượng thủ đại diện cho Giáo hội Tăng già Nam Việt thành lập Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam.

Kinh qua các vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ngài thành lập các khoa “Ứng phú đạo tràng” để làm phương tiện hoằng pháp và tiếp cận quần chúng. Gắn lời Phật dạy với tinh thần yêu nước, ý thức trước thời cuộc.

Với quan điểm chấn hưng “Phật giáo cần có 3 trụ cột chính” Giáo dục – Tu trì – Ứng phú. Tổ Đạt Thanh đã kế thừa và phát huy truyền thống Phật giáo dân tộc, phát huy nét đẹp của nghi lễ Phật giáo miền Nam. Làm nổi bật vai trò “trụ cột thứ 3” trong nhiệm vụ vĩ đại chấn hưng Phật giáo và dân tộc.

Thay mặt Môn phong, Hòa thượng Thích Huệ Thông tiếp nhận lời giáo huấn của Đức Pháp chủ, và thành kính đảnh lễ tri ân đến sự quan tâm và chỉ dạy của Đức Đệ tứ Pháp chủ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng nguyện cầu Đức Pháp chủ luôn được pháp thể kinh an, thân tâm thường lạc, làm bóng cây đại thụ che mát cho hàng hậu học nương theo tu tập.

Dịp này, Đức Pháp chủ, Ban trị sự GHPGVN TP.HCM, Ban Trị sự GHPGVN huyện Hóc Môn đã trợ duyện tịnh tài để trùng kiến tổ đình Long Quang, làm nơi lưu giữ những kỉ vật, pháp khí của Tổ và tông môn.

Đôi nét về hành trạng tu tập của Trưởng lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh

Theo tiểu sử danh tăng việt nam thế kỷ XX – tập II, Hòa thượng Thích Đạt Thanh, pháp hiệu là Như Bửu, tục danh là Võ Minh Thông, sau đổi là Võ Bửu Đạt, sinh năm Quý Sửu (1853), triều Tự Đức năm thứ 6, tại làng Tân Thới Tây, tổng Bình Thạnh Hạ, huyện Bình Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh.

Ngài sinh trong một gia đình trung lưu Nho học, kính tin Tam bảo. Thân sinh của Ngài là cụ ông Võ Văn Kiển, pháp danh Thiện Tim, thân mẫu là cụ bà Hà Thị Tông, pháp danh Diệu Nho. Ngài có 7 anh em trai. Người anh cả là ông Võ Văn Bường, một liệt sĩ cách mạng, bị thực dân Pháp sát hại trong cuộc kháng chiến năm 1947 tại quê nhà. Các em của Ngài có 2 người xuất gia.

Năm 12 tuổi, nhân duyên sau ngày lễ chùa nhân vía Địa Tạng Bồ tát, ngài nguyện ý xuất gia. Được sự trợ duyên từ gia đình, ngài được dẫn đến Tổ Minh Phương – Chơn Hương nhận làm đệ tử. Sau đó ngài được hòa thượng bổn sư gửi đến chùa Giác Lâm cầu học với tổ Minh Vi – Mật Hạnh, rồi về chùa Giác Viên học với tổ Hoằng Ân – Minh Khiêm, Như Nhãn – Từ Phong.

Năm 1879, ngài kế vị trụ trì chùa Linh Nguyên thay Tổ Minh Phương – Chơn Hương đã viên tịch.

Sau khi con xuất gia, sẳn với lòng kính tin Tam bảo, song thân ngài đã kiến tạo tư gia thành một ngôi Tam bảo để bá tánh trong vùng đến lễ Phật. Năm 1921, sau khi trùng tu ngôi Tam bảo được Tổ Như Nhãn – Từ Phong đặt tên hiệu là Long Quang Tự.

Trước vận nước đầy biến động nhiễu nhương, ngài cũng như một số nhà sư trẻ có tinh thần yêu được đã tham gia các tổ chức yêu nước với các tên gọi khác nhau. Năm 1926 ngài tham gia Thiên Địa Hội và bị thực dân Pháp bắt bớ kết án tù đày ra Côn Đảo. Sau hơn 4 năm ở Côn Đảo, ngài và các bạn tù tổ chức vượt ngục thành công, ngài tiếp tục du hóa ở khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ với tên mới là Võ Bửu Đạt.

Năm 1949, ngài trở lại Sài Gòn tiếp tục du hóa, cùng năm ngài được cư sĩ Trí Hữu (Đội Hữu) thỉnh về làm trụ trì chùa Giác Ngộ.

Năm 1951, Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập, với uy tín và đức độ, ngài được suy tôn ngôi vị Pháp chủ. Năm 1953, ngài xin thôi giữ ngôi vị Pháp chủ, trở về chùa Long Quang trùng tu lại già lam sau thời gian chiến tranh loạn lạc.

Năm 1956, cư sĩ Nguyễn Thị Phượng xây dựng chùa Long Nguyên tại Bình Trị, mời ngài về an trụ tại đây.

Đầu năm 1973, nhận thấy xuất khỏe suy yếu, ngài được chúng đệ tử đưa về chùa Long Quang. Sau khi tụ hợp đủ chúng đệ tử để có những lời căn dặn sau cùng, ngài đã xả báo thân trụ thế 97 tuổi, hạ lạp 77 năm

Sinh thời, Ngài sáng tác, phiên dịch rất nhiều kinh sách, phần lớn bị thất lạc hoặc mối mọt làm hư hao. Nay chỉ còn lại một bộ Lục Vân Tiên tân truyện viết bằng chữ Nôm, một bộ Du Đà Đại Khoa, một bộ Vu Lan Thích Nghĩa. Tất cả đều lưu trữ tại chùa Long Quang, Bà Điểm.

Cuộc đời của Hòa thượng là một tấm gương trí dũng của người con Phật, làm nên công đức cho sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam. Hành trình hoằng pháp lợi sanh của Ngài suốt trên một thế kỷ quả là ít có ai sánh được. Ngài đã để lại sự kính ngưỡng muôn thuở cho hàng hậu bối tôn vinh học tập. 

Quốc Hương