Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã chứng minh những đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc của Phật giáo. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở thế kỷ XX của dân tộc, nhiều phật tử tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh vì lẽ phải, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Cách đây 60 năm (11/6/1963 – 11/6/2023), Bồ tát Thích Quảng Đức đã đem tấm thân mình tự thiêu, đòi sự bình đẳng, hòa bình cho quê hương, Tổ quốc và đạo Pháp được trường tồn.
Các đại biểu tại lễ tưởng niệm 60 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2023) tại công viên tượng đài Bồ Tát Thích Quảng Đức.
Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm Mậu Tuất (1898), tại làng Hội Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, trong một gia đình mộ Phật, thân phụ là Lâm Hữu Ứng và thân mẫu là Nguyễn Thị Nương.
Năm lên bảy tuổi, ngài xuất gia tu học với hòa thượng Thích Hoằng Thâm, vừa là bổn sư, vừa là cậu ruột, được hòa thượng Hoằng Thâm nhận làm con chính thức, nên lấy tên là Nguyễn Văn Khiết, năm mười lăm tuổi thọ giới Sa di, năm hai mươi tuổi (1916) thọ giới Tỳ kheo, pháp hiệu là Quảng Đức, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Từ đó, ngài bắt đầu hoằng dương chánh pháp, hóa độ chúng sinh.
Sau nhiều năm vân du ở miền Trung, sau năm 1945, ngài vào Nam để giáo hóa. Ngài từng đến Campuchia và Lào vài năm để học tập và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada).
Khoảng năm 1960 – 1961, Ngài về lại quê hương Khánh Hòa hành đạo, sau đó mới về lại Sài Gòn trụ trì chùa Quan Thế Âm ở Phú Nhuận. Cả một đời hành đạo, ngài đã từng nhận nhiều trọng trách của Giáo hội như Kiểm tăng Chi hội Phật giáo huyện Ninh Hòa, Kiểm tăng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa, Phó trị sự và Trưởng ban Nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt. Ngài đã khai sơn, kiến tạo và trùng tu 31 ngôi chùa (14 ngôi chùa ở miền Trung và 17 ngôi chùa ở miền Nam).
Ngôi chùa cuối cùng ngài xây dựng và trụ trì lúc phát nguyện thiêu thân là chùa Quan Thế Âm ở Phú Nhuận, Gia Định (nay là số 90 đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh).
Từ sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam đã có chủ trương đưa Thiên Chúa giáo làm quốc giáo, rồi tiến hành chính sách kỳ thị và đàn áp Phật giáo, mà đỉnh điểm là vụ đàn áp Phật giáo bằng súng, tạc đạn và xe tăng tại Đài Phát thanh Huế vào tối ngày 8/5/1963, khi quần chúng phật tử và tăng ni biểu tình chống lại lệnh của chính quyền họ Ngô cấm treo cờ Phật giáo nhân Lễ Phật đản.
Bấy giờ, ngài đã thỉnh cầu lãnh đạo Giáo hội Phật giáo để được thiêu thân cúng dường bảo vệ chính pháp. Được sự đồng ý của Giáo hội, vào sáng thứ ba ngày 11/6/1963 (nhằm ngày 20/4 nhuần năm Quý Mão), ngài đã tự thiêu tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng (nay là ngã tư Cách mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu) trước sự chứng kiến của hàng ngàn tăng ni và phật tử cùng nhiều quan sát viên, các nhà báo quốc tế và trong nước.
Hành động “Vị Pháp thiêu thân” của Hòa thượng trước đó đã có một vài tăng ni tự nguyện thỉnh cầu, trong đó có Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không (1905-1997), song ban đầu các vị lãnh đạo Phật giáo không đồng tình, bởi nghĩ rằng với tinh thần đấu tranh bất bạo động của mình thì thế nào chính quyền họ Ngô cũng sẽ chấp nhận hòa giải, nhưng sau đó đứng trước hiện tình chính quyền họ Ngô đàn áp ngày càng gia tăng, nên các vị lãnh đạo Phật giáo đã đồng ý với Lời tâm nguyện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức.
Toàn văn Lời nguyện tâm quyết được ngài viết bằng chữ Nôm tiếng Việt vào ngày 4/6 (nhằm ngày 13/4 nhuần Quý Mão) tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn (nay là số 243 đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh):
Lời nguyện tâm quyết
Tôi là Tỳ kheo Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Thế Âm, Phú Nhuận, Gia Định.
Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương ngả2 nghiêng, tôi là một tu sĩ, mệnh danh là Trưởng tử của Như lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo3 tiêu vong, nên tôi vui vẻ4 phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.
Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại đức, Tăng, Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:
Một là mong ơn Phật Trơì5 gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam, ghi trong bản Tuyên ngôn.
Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.
Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho chư Đại đức, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn, khủng bố bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác.
Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, hãy thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước nhà xứng6 yên muôn thủa.
Tôi thiết tha7 kêu gọi chư Đại đức, Tăng, Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo. Nam mô A Di Đà Phật.
Làm tại chùa Ấn Quang, ngày 04 tháng 6 năm 1963.
Tỳ kheo Thích Quảng Đức thủ ký.
Theo tư tưởng nhà Phật, “Vô ngã” (無我 Anàtman) còn gọi “Phi ngã” (非我) là “không có cái ngã (ta)”, “không có cái ngã thể thường nhất”. Đối lập với “Vô ngã” là “Ngã” (我 Àtman), tức cái thể thường nhất. Cái dụng có chủ thể gọi là Ngã; khi chấp có thân người, gọi là Nhân ngã; khi chấp có pháp (tất cả hiện tượng trong thế giới hiện thực) gọi là Pháp ngã; khi chấp có bản thân mình, gọi là Tự ngã; khi chấp có kẻ khác, gọi là Tha ngã. Nhưng thân thể con người chỉ là giả tạm, nó có đấy nhưng không thật như nó vốn có, nó không thường hằng, nó hiện diện chẳng qua là do sự giả hợp của Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), của Tứ đại (đất, nước, gió, lửa) cùng Thập nhị nhân duyên mà có; bởi tất cả các pháp đều do nhân duyên mà sinh ra, nhờ duyên tụ lại mà thành, hết duyên thì chúng sẽ tan rã rồi trở về với cái thể tính ban đầu, nên không có cái ngã thể thường nhất; đã không có Nhân ngã, không có Pháp ngã, thì cũng không có Tự ngã và Tha ngã. Như vậy, cuối cùng là không có cái Ngã. Đây là chân lý rốt ráo. Cho nên “Vô ngã” tức là không có cái Ta chân thật.
Còn “Vị tha” (為他) là “vì người khác”, người có lòng vị tha là người có tấm lòng chăm lo một cách vô tư đến lợi ích của người khác, có thể vì người khác mà hy sinh lợi ích của mình, kể cả hy sinh bản thân cá nhân mình. Đây là một tư tưởng thể hiện tinh thần từ bi, bao dung, độ lượng vô bờ của nhà Phật, một trong những hạnh của Bồ tát. Theo cách hiểu của dân gian, “vô ngã vị tha” là tinh thần “quên mình vì người”.
Lời nguyện tâm quyết của Hòa thượng Quảng Đức đã thể hiện tinh thần Vô ngã vị tha, Lợi lạc quần sanh của nhà Phật một cách rốt ráo viên mãn. Ngài sẵn sàng tự nguyện hy sinh thân giả tạm của mình để bảo tồn đạo pháp, để cảnh tỉnh nhà cầm quyền và kêu gọi họ hãy vì đất nước, vì dân tộc mà hồi tâm hướng thiện, thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo. Lời tâm nguyện này được Hòa thượng viết bằng một ngôn ngữ trong sáng giản dị, lời lẽ ôn hòa, thể hiện tinh thần Bi Trí Dũng của một vị Bồ tát.
Trước khi về cõi Phật, Hòa thượng còn “trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, hãy thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo” có như thế thì nước nhà mới “vững yên muôn thủa”; đồng thời ngài còn nhắn nhủ tăng, ni, phật tử “nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo”. Chỉ có tấm lòng của bậc Bồ tát mới có suy nghĩ và phát biểu như thế.
Trước khi viết Lời nguyện tâm quyết, thì Ngài đã viết Đơn xin tự thiêu viết tại chùa Long Phước ở làng Thạch Thành, xã Ninh Quang, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, có xác nhận nơi cư trú trụ trì của Ngài do ông Trần Cầu là Chánh đại diện xã Ninh Quang ký tên và đóng dấu.
Cùng với Lời nguyện tâm quyết, trước đó 5 ngày, tức ngày mùng 8/4 nhuần năm Quý Mão (thứ Năm ngày 30/5/1963), Hòa thượng đã viết bốn bài Kệ thiêu thân cúng dường chánh pháp bằng tiếng Việt chữ quốc ngữ với phong cách dung dị, lời lẽ trong sáng, dễ hiểu. Trong bốn bài thi kệ thì có ba bài đầu được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, còn bài thứ tư thì viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt gồm hai bài liền nhau. Bài thứ nhất viết để kính dâng chư Phật mười phương; Bài thứ hai để dâng chư Hiền Thánh Tăng; Bài thứ ba và thứ tư là lời dặn dò của ngài đối với toàn thể tín đồ phật tử cùng các đệ tử xuất gia, tại gia mà ngài đã hóa độ. Tất cả đều thể hiện cái tâm độ lượng, khoan dung, vị tha của bậc Bồ tát.
Bài cuối cùng là lời ngài nhắn nhủ các đệ tử ở trong miền Nam, ngoài miền Trung. Cho dù thân xác ngài không còn nhưng bóng hình của ngài, hạnh nguyện của ngài vẫn mãi lưu dấu dù đó là Gia Định, Sài Gòn hay Hà Tiên, Cai Lậy hoặc Nam Vang, Núi Lớn, và đặc biệt là nơi quê hương: Khánh Hòa đệ tử vẫn ân son. Hạnh nguyện ngài đến đây đã viên mãn. Theo ngài, suốt một đời hoằng dương chánh pháp những gì đáng độ cho đệ tử thì ngài đã độ cả rồi. Ngài đã về cõi Niết bản trong thanh thản, tự tại.
Cùng hàng Phật tử quy y, thế độ và xuất gia
Thầy đã đến lúc biệt các con,
Ba mươi năm hạnh nguyện đã tròn.
Những gì đáng độ, Thầy đã độ,
Thầy tranh chánh pháp lúc mất còn.
Gia Định, Sài Gòn hỡi các con,
Hà Tiên, Cai Lậy, Thầy vẫn còn.
Nam Vang, Núi Lớn, Thầy ghi dấu,
Khánh Hòa đệ tử vẫn ân son.
Ngày 8 tháng 4 nhuần Quý Mão
Chỉ có người tu hành chứng quả bồ đề, đạt cái hạnh Bát nhã ba la mật (Trí tuệ đáo bĩ ngạn) của bậc Bồ tát mới có được thần thái như thế. Ngài Thích Quảng Đức chính là bậc Bồ tát hóa thân để hoằng dương đạo Phật trong thời mạt pháp. Lời nguyện tâm quyết của ngài, tấm lòng vô ngã vị tha và đức Bi Trí Dũng của ngài đã được Phật Tổ ấn chứng, vì thế trái tim của Ngài sau bao nhiêu lần nung đốt vẫn nguyên vẹn và càng đốt càng rắn như kim cương. Đó là Trái Tim Vĩ Đại, Trái Tim Bất Diệt.
Để giải đáp cho vấn đề này, xin được mượn lời của thầy Thích Đức Nghiệp (nay là Hòa thượng Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) trả lời câu hỏi của một phóng viên quốc tế trong một cuộc họp báo lúc bấy giờ: “Đó là do ngài Thích Quảng Đức phát đại thệ nguyện, nung nấu một ý chí phi thường vì đạo pháp và hòa bình cho dân tộc nên đã biến thành một năng lượng đặc biệt làm trái tim bất hoại”.
Chú thích:
1. Chữ này đọc là “quyết” (決), nhiều tài liệu trước đây phiên âm “huyết” là không đúng.
2. Chữ này đọc là “ngả” hay “ngửa” đều được, ở đây chúng tôi đọc là “ngả nghiêng”.
3. Chữ này đọc là “giáo” (教), không thể là “pháp” như trong các sách báo trước đây.
4. Chữ này đọc là “vẻ”, không thể đọc là “lòng”, trong văn bản này có chữ “lòng” với tự dạng khác.
5. Chữ này phải đọc là “Trời” ( ), một số tài liệu trước đây đã phiên âm chữ này “Tổ” là không đúng.
6. Chữ này đọc là “xứng”, không thể đọc là “vững” như trong các sách, báo trước đây.
7. Chữ này đọc là “thiết tha”, chứ không thể là “tha thiết” như trong các sách, báo trước đây.
Nguyễn Công Lý – Phó Giáo sư, Tiến sĩ,
Ủy viên Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.