Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Trí (1952-2024)

53
Di ảnh Hòa thượng Thích Huệ Trí – Ảnh: Đồng Phát

PGTPHCM – Hòa thượng thuận theo vô thường, thu thần viên tịch lúc 6 giờ ngày 19/07/2024 (nhằm ngày 14/06 Giáp Thìn), Phật lịch 2568, tại thiền viện Quảng Đức; trụ thế 73 năm, 50 hạ lạp.


 

 

Hòa thượng Thích Huệ Trí

Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN;

Phó Trưởng ban Ban Tăng sự Trung ương;

Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;

Nguyên Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN;

Nguyên Trưởng ban Ban Pháp chế Trung ương;

Nguyên Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp;

Nguyên Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu;

Trụ trì chùa Quang Minh (Q.Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh);

Phó Trụ trì Thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.Hồ Chí Minh);

Viện chủ Tổ đình Sắc tứ Linh Quang (làng Trung Kiên, H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Xuất thân

Hòa thượng Thích Huệ Trí, thế danh Đào Tá, sinh ngày 10/07 Nhâm Thìn (1952) trong một gia đình thuần tín Tam bảo có truyền thống yêu nước tại làng Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ ông Đào Ngọc Phò, pháp danh Tâm Trì; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sam, pháp danh Tâm Giác. Hòa thượng là con trai duy nhất của ông bà.

Lúc sơn hà nguy biến, theo tiếng gọi của Tổ quốc, thân phụ Hòa thượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm với nhiệm vụ đặc biệt, rồi tập kết ra Bắc; thân mẫu tham gia các phong trào yêu nước. Cũng như bao số phận khác trong giai đoạn lịch sử này, gia đình biệt ly mỗi người một nơi, Hòa thượng sinh ra dù có song thân nhưng phải chịu cảnh thiếu hơi ấm tình thương của cả mẹ lẫn cha, lúc tuổi chưa đầy năm phải ở với người cô ở làng quê xứ Quảng Trị khắc nghiệt, dùng nước cơm thay cho sữa mẹ…

Thời kỳ học đạo

Thiện duyên lớn lao của Hòa thượng là có một người bác ruột – bậc xuất gia, cố Đại lão Hòa thượng Thích Hưng Dụng, tự Lương Bật, đệ tử của Quốc sư Thích Tâm Khoan, Tăng cang Quốc tự Diệu Đế kiêm trụ trì các tổ đình Báo Quốc, Thiền Tôn, Kim Tiên và Quang Bảo ở kinh đô Huế. Cố Đại lão Hòa thượng Thích Lương Bật, Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là bậc niên trưởng của tổ đình Báo Quốc, trụ trì chùa Phật Học Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị ngày nay), trụ trì tổ đình Kim Tiên (Huế).

Năm 1955, cố Đại lão Hòa thượng Thích Hưng Dụng nhận Hòa thượng làm đệ tử, đưa về chùa Phật Học Quảng Trị nuôi dạy. Sau đó vì chiến tranh, Hoà thượng được đón vào Tổ đình Báo Quốc ở Huế, chính thức xuống tóc làm khu ô Sa-di tu học và tòng học tại trường Bồ Đề Hàm Long, Phật học đường Báo Quốc, dưới sự dìu dắt, chăm sóc trực tiếp của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực và cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Trí.

Thiếu thời, tuy có chút tinh nghịch, nhưng Hoà thượng lại mang tư chất thông minh, hiếu học, giàu khí phách; đặc biệt, có thiên bẩm nghệ thuật, thi ca và nghi lễ Phật giáo nên được chư sơn thiền đức tại cố đô quan tâm chỉ dạy, huynh đệ tông môn thương mến.

Năm 1965, xét thấy Hòa thượng có tư cách “thiệu long Thánh chủng” nên Hòa thượng Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Sa-di tại Giới đàn tổ đình Từ Hiếu do Đức Đệ nhị Tăng thống Thích Giác Nhiên làm Hòa thượng Đường đầu. Từ đó, Hòa thượng nuôi lớn chí xuất trần, gia công tu học tại tổ đình Báo Quốc theo sự chỉ dạy của chư vị Ân sư.

Năm 1969, được sự cho phép của Bổn sư, Hòa thượng vào Phật học viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang để học đạo, cho đến năm 1972 thì trở về tổ đình Báo Quốc.

Năm 1973, Hòa thượng được Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Đại Giới đàn Phước Huệ, tổ chức ở Phật học viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang do Đại lão Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm Hòa thượng Đường đầu, Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chánh Chủ đàn.

Sau đó, Hòa thượng về lại tổ đình Báo Quốc tu học với huynh đệ trong sơn môn, chấp tác theo Tăng sai với các công việc tạo nguồn kinh tế hậu thuẫn cho chư Tăng và các tự viện tại Huế với tinh thần không ngại khó khăn, trong thân tình pháp lữ vô biên, dưới sự chở che đức hạnh của Tổ sư bao đời nơi ngôi cổ tự thâm trầm của xứ Huế.

Thời kỳ dấn thân phụng sự Giáo hội

Năm 1980, Hòa thượng rời Huế vào Nam, dừng chân đầu tiên tại trú xứ thiền viện Vạn Hạnh, nương đức cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu để bắt đầu cho chặng đường dấn thân hành đạo tại phương Nam. Nơi đây, Hòa thượng nhận được sự thương mến của cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Thủ, cùng chư vị Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Tâm Hướng, Hòa thượng Thích Nhật Lệ chỉ dạy phụ giúp các Phật sự thời bấy giờ.

Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập (1981), Hòa thượng được chư vị lãnh đạo Giáo hội chỉ định tham gia Phật sự liên quan, đặc biệt là công tác hành chánh cho Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội từ những ngày đầu, lúc trụ sở còn đóng tại chùa Xá Lợi (đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.Hồ Chí Minh).

Năm 1985, Hòa thượng chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội.

Năm 1993, Hòa thượng được Giáo hội phân công cùng với cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp tiếp quản Trung tâm Quảng Đức (nay là thiền viện Quảng Đức) và trực tiếp điều hành các hoạt động nội tự tại đây; Hòa thượng được tin tưởng nhập hộ khẩu và trách nhiệm làm chủ hộ đầu tiên tại thiền viện Quảng Đức – trụ sở của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phía Nam (TP.Hồ Chí Minh).

Năm 2000, Phật bổ xứ và Hòa thượng được Giáo hội chính thức bổ nhiệm Trụ trì chùa Quang Minh (số 65 Trần Hữu Trang, Q.Phú Nhuận), ngài đồng thời tiếp tục đảm nhiệm Phó Trụ trì thiền viện Quảng Đức – Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN.

Với vai trò và trách nhiệm Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Hòa thượng đã tháp tùng chư tôn đức lãnh đạo công du Phật sự tại nhiều tỉnh, thành phố; kinh qua nhiều lĩnh vực, hiểu được nhân duyên đặc thù ở các địa phương.

Với kinh nghiệm đó, trong hoàn cảnh có sự xáo trộn về nhân sự ở tỉnh Đồng Tháp, quê hương của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã được Đức Đại lão Hòa thượng Đệ nhị Chủ tịch cùng chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tin tưởng công cử tham gia Ban Trị sự, đảm nhiệm Trưởng ban Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 6 (2007-2009) cho đến khi có nhân sự ổn định thì chuyển giao và trở về đảm nhiệm Phật sự tại Văn phòng 2 Trung ương.

Hòa thượng được suy cử vào Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, đảm nhiệm Ủy viên Pháp chế, sau đó là Tổ trưởng Tổ Pháp chế nhiệm kỳ 6 (2007-2012).

Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2012-2017), Ban Pháp chế Trung ương thành lập, Hòa thượng được suy cử đảm nhiệm Trưởng ban đầu tiên.

Cũng tại Đại hội này, ngài chính thức đón nhận Giáo chỉ của Đức Pháp chủ tấn phong giáo phẩm Hòa thượng.

Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 8, Hòa thượng tiếp tục được tin tưởng suy cử đảm nhiệm Trưởng ban Pháp chế Trung ương nhiệm kỳ 2017-2022.

Khi Phật giáo tỉnh Bạc Liêu có sự bất ổn về nhân sự, Trung ương Giáo hội phải tham dự để có sự điều chỉnh nhằm ổn định, Hòa thượng lại một lần nữa được Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự công cử tham gia Ban Tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bạc Liêu lần thứ 5 (2017) và được Đại hội suy cử đảm nhiệm Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2017-2022. Hòa thượng đã đào tạo, bồi dưỡng nhân sự ổn định, chuyển giao trách nhiệm lãnh đạo cho thế hệ kế thừa sau khi Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bạc Liêu lần thứ 6 được tổ chức thành công viên mãn.

Trong khó khăn về nhân sự lãnh đạo chủ chốt, Giáo hội đã tiếp tục công cử Hòa thượng tham gia Ban Tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2022-2027), được Đại hội suy cử đảm nhiệm Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Ban Tăng sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho đến ngày viên tịch.

Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 9 (nhiệm kỳ 2022-2027), với công đức và những đóng góp quan trọng cho các Phật sự của Giáo hội, Hòa thượng đã được suy cử vào chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Phó Trưởng ban Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Là người nặng lòng với ngôi làng Trung Kiên, nơi vùng đất gió Lào cát trắng, được mệnh danh là “thế thế xuất hùng Tăng”, quê hương của Tổ sư Đạo Minh Phổ Tịnh, Tổ sư Tánh Thiên Nhất Định, Tổ sư Thanh Ninh Tâm Tịnh, Đại sư Chơn Đạo Chánh Thống, Đại lão Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ, Đại lão Hòa thượng Trừng Hóa Lương Bật…, Hòa thượng đã bao đêm thao thức, đem ưu tư phục hưng ngôi tổ đình Linh Quang, khai sơn đầu thế kỷ 18, được ban ngạch Sắc tứ, nhưng cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng theo thời gian. Hòa thượng đã khởi tâm trùng hưng và được chư tôn thiền đức đồng hương, trú xứ các chốn Tổ nhất trí đồng thuận, cùng suy cử Hòa thượng làm Trưởng ban Kiến thiết và suy tôn Viện chủ tổ đình Sắc tứ Linh Quang ở quê hương Quảng Trị.

Với công đức to lớn, tinh thần dấn thân vô quái ngại vì sự ổn định và phát triển của Giáo hội, đất nước và khối đại đoàn kết dân tộc, Hòa thượng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Đại Đoàn kết Dân tộc; Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Bằng khen; cùng nhiều Bằng khen của Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…

Để ghi nhận những đóng góp quan trọng của Hòa thượng, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng ngài nhiều Bằng Tuyên dương công đức trong các vai trò, chức danh và trách nhiệm khác nhau; đặc biệt Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trân trọng tặng Hòa thượng bức khánh vàng với dòng chữ “Trách nhiệm vẹn toàn”…

Thời kỳ viên tịch

Tịch lặng bàn chi chuyện khứ lai

Đôi vai gầy gánh bao Phật sự

Dương trần rũ bỏ thị phi

Vận hành thông tỏ, từ bi nụ cười.

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe không còn như trước, từ khi nhận nhiệm vụ Giáo hội giao phó đảm nhiệm Phật sự với vai trò của người đứng đầu Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tuy thân bệnh theo năm tháng, nhưng Hòa thượng vẫn đi về giữa thiền viện Quảng Đức và các địa phương thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như thoi đưa một cách cần mẫn và trách nhiệm, không ngại hôm sớm năng lui tới kịp thời chỉ đạo, trăn trở với những vướng mắc tồn đọng và tham khảo tìm các giải pháp trên nguyên tắc hài hoà, tái lập nhịp an hảo trong sinh hoạt cho Tăng Ni… Trong thời gian ngắn, với ưu thế là một trong những vị lãnh đạo cấp cao của Trung ương Giáo hội và do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam công cử về lãnh đạo địa phương, một số vấn đề đã được giải quyết theo nguyện vọng của Tăng Ni, quần chúng Phật tử, trong tinh thần giữ gìn “Kỷ cương, Trách nhiệm, Đoàn kết, Phát triển” mà Giáo hội đã đề ra cho nhiệm kỳ 2022-2027.

“Trăng không, gió cũng không luôn

Không đi không đến cội nguồn vẫn không,

Không cùng có tận mênh mông

Áo thô ta mặc thủy chung ta về!”

Những câu thơ lục bát khai bút đầu xuân Giáp Thìn của Hòa thượng như biểu thị cho thái độ sống an nhiên giữa sanh tử, tự do giữa những buộc ràng, đến và đi trong thinh lặng, không muốn phiền hà cho ai, dù là thân quyến hay pháp lữ, chỉ nặng lòng với chữ tình trong tình người, tình đồng đạo, tình đồng bào thương kính.

Tiếc là, Phật sự thì quá lớn lao, tâm nguyện thì không ngằn mé, khi một số sự việc trong trách nhiệm của Hòa thượng trước Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử đã từng bước giải quyết nhằm giữ gìn kỷ cương cho sinh hoạt tôn giáo ở địa phương mà ngài có trách nhiệm cầm lái con thuyền, Hòa thượng thuận theo vô thường, thu thần viên tịch lúc 6 giờ ngày 19-7-2024 (nhằm ngày 14-6-Giáp Thìn), Phật lịch 2568, tại thiền viện Quảng Đức; trụ thế 73 năm, 50 hạ lạp, để lại sự kính tiếc cho chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, cho Tăng Ni và Phật tử hữu duyên với ngài.

Tang lễ của Hòa thượng được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trang nghiêm tại thiền viện Quảng Đức; sau đó chư tôn đức sơn môn tổ đình Kim Tiên di kim quan về an trí, nhập bảo tháp tại ngôi tổ đình ở cố đô theo tâm nguyện lá rụng về cội.

Hỡi ơi!

“Hồng trần cõi tạm thôi về

Tuỳ duyên gởi lại bên lề tử sanh.”

Cao cả thay!

Người đến cuộc đời như ánh trăng hoà đáy nước

Tấm lòng nhân hậu một bước rẽ lối vô dư.

Kính tiếc thay!

Hạnh nguyện sâu dường biển

Chí khí ngút trời cao

Dùng đức nhẫn chuyển hoá cơn đau

Khán huyễn mộng chế nhu bạo bệnh.

Đáng kính thay!

Quên cả thân đau bệnh, gặp việc vẫn hết dạ hăng say

Đến đi vô quái ngại, sẵn sàng phủi tay làm lữ khách.

Than ôi!

Hố thẳm buông tay đầu sào trăm trượng

Một bước ra đi giã biệt hoá thành

Gác câu lợi danh soi đường cho hậu thế

Tăng Ni xót dạ khể thủ bóng thiền Tăng.

“Đến và đi theo vô thường huyễn mộng

Mất và còn như gợn sóng đầu sông…”

NAM MÔ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP TAM THẾ, LIỄU QUÁN THIỀN PHÁI ĐỆ CỬU THẾ, KIM TIÊN TỔ ĐÌNH MÔN HẠ, QUANG MINH TỰ TRỤ TRÌ, HÚY thượng TÂM hạ , HIỆU HUỆ TRÍ, TỰ KHÍ TRẦN TỬ ĐÀO CÔNG HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

(Chữ in nghiêng là thơ của Hòa thượng Thích Huệ Trí)

Môn đồ pháp quyến phụng soạn