Thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định về việc xuất gia, tu học, quản lý Tự viện tại TP.HCM

73

Ngày 16/09/2019, Ban thường trực BTS GHPGVN TP.HCM đã có thông tư số 325/TT-BTS về việc hướng dẫn thực hiện các quy định về việc xuất gia, tu học, quản lý Tự viện tại TP.HCM .

Thông tư nêu rõ, y cứ Tỳ ni Luật tạng Phật chế định; căn cứ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; căn cứ Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN; căn cứ Quy chế hoạt động các Ban Trị sự GHPGVN tỉnh/thành; căn cứ Luật tín ngưỡng, tôn giáo; căn cứ tinh thần thống nhất về việc nâng cao công tác quản lý Tăng Ni, Tự viện trên địa bàn Thành phố tại Hội nghị chuyên đề Tăng sự ngày 24/7/2019 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh,  Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh hướng dẫn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam 24 quận/huyện, chư Tôn đức Tăng Ni Trụ trì các cơ sở Tự viện tại Tp. Hồ Chí Minh thực hiện một số quy định liên quan đến việc xuất gia, tu học, quản lý Tự viện trên địa bàn TP.HCM:

I- XUẤT GIA, THỌ GIỚI, CẦU THẦY Y CHỈ

1/ Xuất gia:

Nam, nữ Phật tử có nguyện vọng phát tâm xuất gia, tu học tại các Tự viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phải theo đúng Luật Phật quy định và đủ các điều kiện sau đây:

– Thực hiện các quy định tại điều 36 Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.

– Có đăng ký thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

– Sử dụng mẫu “Đơn phát nguyện xuất gia” của GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh, có dán ảnh (được chụp chính diện, nền trắng và có mặc áo tràng).

– Phải có thời gian tập sự (ít nhất là 01 năm) tại cơ sở Tự viện mình phát nguyện xuất gia.

– Ban Tăng sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh chỉ xác nhận đơn “phát nguyện xuất gia” khi đương đơn có tuổi đời từ 12 tuổi trở lên.

– Người xuất gia phải tu học tại cơ sở Tự viện, tuyệt đối không được cư trú ngoài Tự viện.

– Khi người xuất gia hoàn tục, thầy Bổn sư (thầy Nghiệp sư), Y Chỉ sư, trụ trì các cơ sở Tự viện phải có văn bản thông báo đến Giáo hội cấp địa phương và Thành phố được tri tường.

– Truyền thống Phật giáo Nam tông được tiếp nhận người xuất gia gieo duyên theo nhu cầu, nhưng phải thực hiện đúng các quy định của Giới luật, Giáo luật và Pháp luật.

2/ Thọ giới:

Ngoài các tiêu chuẩn được quy định tại điều 44, 45, 46, 47 Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN; đơn xin thọ giới của các giới tử phải có xác nhận của thầy Bổn sư (thầy Nghiệp sư), trường hợp thầy Bổn sư đã viên tịch hoặc ở xa thì Y Chỉ sư hoặc trụ trì cơ sở Tự viện (nơi giới tử đang tu học) xác nhận.

3/ Cầu Thầy Y chỉ:

Ngoài các quy định tại điều 38 Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN; Tăng không được nhận đệ tử y chỉ là Ni.

II- QUẢN LÝ TĂNG NI, TỰ VIỆN

1/ Tăng Ni:

a/ Đăng ký tạm trú:

Người mới xuất gia, Tăng Ni được quyền đăng ký tạm trú tại các cơ sở Tự viện nhưng phải hoàn tất thủ tục theo luật pháp quy định, trụ trì các cơ sở Tự viện bảo lãnh người tạm trú tại cơ sở Tự viện do mình quản lý phải báo trình với Ban Trị sự Phật giáo tại địa phương được tri tường.

b/ Đăng ký thường trú:

Tăng Ni có nhu cầu đăng ký thường trú tại các cơ sở Tự viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài các thủ tục cơ bản như: tạm trú dài hạn tối thiểu 02 năm, bảo lãnh của trụ trì kiêm chủ hộ nơi cơ sở Tự viện xin đăng ký thường trú, công văn chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN địa phương nơi đăng ký thường trú, ý kiến đồng thuận của chủ hộ nơi xin cắt hộ khẩu, mẫu đơn xin chuyển nhân khẩu cá nhân của Công an địa phương, không vi phạm Giới luật, Giáo luật và Pháp luật), văn bản chấp thuận của Ban Thường trực HĐTS về việc thuyên chuyển sinh hoạt/hoạt động Tôn giáo (nếu Tăng Ni thường trú tại các tỉnh/thành ngoài TP.HCM).

c/ Cắt thường trú tại các cơ sở Tự viện:

Người xuất gia/Tăng Ni đã hoàn tục hoặc đã thuyên chuyển sinh hoạt Phật sự đến nơi khác, trụ trì các cơ sở Tự viện cần thông báo với Ban Trị sự Phật giáo quận/huyện và Thành phố được tri tường, kết hợp với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương cắt hộ khẩu thường trú đối với người xuất gia/Tăng Ni đã hoàn tục hoặc đã thuyên chuyển sinh hoạt Phật sự.

d/ Các vấn đề khác có liên quan:

– Tăng Ni xin cấp Phó bản các loại giấy tờ như: Chứng nhận Tăng Ni, Chứng điệp thọ giới v.v…, phải có lý do chính đáng, được thầy Bổn sư xác nhận, trường hợp thầy Bổn sư viên tịch hoặc ở xa phải có xác nhận của Y Chỉ sư. Đơn cớ mất có xác nhận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đơn xin cấp Phó bản có xác nhận của Ban Trị sự GHPGVN địa phương.

– Tăng Ni phải sử dụng hình (ảnh) dưới hình thức là tu sĩ trong các giấy tờ tùy thân, như: Chứng minh Nhân dân/Căn cước Công dân/bằng lái xe, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, v.v…

2/ Tự viện:

– Tính hợp pháp của Tự viện và bất động sản trực thuộc: Phải được sự chấp thuận của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh và Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật.

– Các Tự viện và bất động sản trực thuộc chưa hợp pháp (chưa có quyết định bổ nhiệm trụ trì, khuôn dấu tròn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo), Ban Trị sự Phật giáo quận/huyện có trách nhiệm hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử (đang có trách nhiệm quản lý các cơ sở Tự viện) thiết lập thủ tục để hợp thức hóa tính pháp lý.

– Các Tự viện đã và đang sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương nhưng chưa đăng ký danh bạ Tự viện trong Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo quận/huyện có trách nhiệm vận động, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử thiết lập thủ tục để đăng ký.

– Bổ nhiệm Trụ trì: Ngoài các quy định tại điều 54, 55, 56, 57, 59, 60 Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN; tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tăng Ni được đề xuất bổ nhiệm trụ trì các cơ sở Tự viện phải có tuổi đời ít nhất là 30 và tối thiểu 10 Hạ lạp (ít nhất là 03 Hạ tập trung), tốt nghiệp cử nhân Phật học hoặc tương đương.

Thông tư nhấn mạnh, trên tinh thần “Đoàn kết – Trách nhiệm – Kỷ cương”, nhằm ổn định và phát triển bền vững ngôi nhà GHPGVN, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh đề nghị Ban Trị sự GHPGVN 24 quận/huyện, quý Tôn đức Tăng Ni trụ trì các cơ sở Tự viện cần thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác quản lý Tăng Ni, Tự viện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh theo quy chuẩn của Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Luật tín ngưỡng tôn giáo và các quy định của Thông tư này.

Được biết, thông tư về việc hướng dẫn thực hiện các quy định về việc xuất gia, tu học, quản lý Tự viện tại TP.HCM do HT.Thích Trí Quảng – Đệ nhất Phó pháp chủ kiêm Giám luật, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM ấn ký.

Thông tư đã gửi đến Ban Thường trực HĐTS, Ban Tăng sự Trung ương, Ban tôn giáo TP, các Ban ngành trực thuộc PG TP, Phòng nội vụ 24 quận huyện, BTS GHPGVN 24 quận/huyện, chư tôn Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viên trên địa bàn TP.HCM.

BTV