“Phật giáo Bắc Ninh trong lịch sử”- Một công trình nghiên cứu công phu

26

Sau nhiều năm sưu tầm tư liệu, khảo sát thực tế và đọc dịch hàng trăm văn bia,… cuối tháng 6 vừa rồi, nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Quang Khải và Thượng toạ Thích Đức Thiện phối hợp với Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội cho ra mắt công trình nghiên cứu “Phật giáo Bắc Ninh trong lịch sử”. Sách dày 335 trang, khổ 16 x 24 cm. Ngoài “Lời nói đầu” và các “Phụ lục”, sách được kết cấu thành 7 chương:

Chương 1với tiêu đề “Môi trường tín ngưỡng và phong tục tập quán tại thời điểm Phật giáo du nhập vào Luy Lâu”, các tác giả cung cấp cho người đọc những tri thức cụ thể về tín ngưỡng thờ tự, về phong tục tập quán của vùng Dâu và xác định đó là những tiền đề quan trọng để cư dân vùng Luy Lâu cổ tiếp nhận văn hóa Phật giáo một cách dễ dàng.

Chương 2 có tiêu đề “Phật giáo Bắc Ninh thời kỳ đầu (thế kỷ II- thế kỷ IX)” giúp người đọc biết được những đóng góp của các vị cao tăng vùng Giao Châu đối với nền văn hoá Việt và vai trò của các tăng sĩ tiêu biểu đối lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Chương 3: “Phật giáo Bắc Ninh thời Tiền Lê và thời Lý (thế kỷ X- thế kỷ XIII)” có nhiệm vụ cung cấp đến bạn đọc quá trình chuẩn bị dư luận cho việc chuyển giao quyền lực từ nhà Tiền Lê sang nhà Lý một cách êm đẹp và vai trò của các tăng sĩ xứ Bắc đối với đất nước.
Chương 4: “Phật giáo Bắc Ninh thời Trần, Hồ, Lê, Mạc, Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn (thế kỷ XIV- XIX)”, trình bày những nét đặc thù của Phật giáo Bắc Ninh trải dài qua 5 thế kỷ. Tại chương này, người đọc sẽ thấy nhiều công trình điêu khắc, kiến trúc Phật giáo Bắc Ninh góp phần tạo nên “thương hiệu” của  Phật giáo Việt Nam.

Chương 5: “Phật giáo Bắc Ninh trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ xây dựng CNXH- chống Mỹ cứu nước và từ năm 1975 đến năm 2018” có nhiệm vụ giúp người đọc thấy được tinh thần nhập thế của các tăng sĩ Bắc Ninh và mối quan hệ mật thiết giữa Nhà nước và giáo hội Phật giáo, những đóng góp của Phật giáo Bắc Bắc Ninh trong từng giai đoạn cách mạng.

Tại chương 6 và chương 7, các tác giả giúp chúng ta hiểu biết thêm về giá trị văn hoá, giá trị tư tưởng của những di sản văn hoá độc đáo như cột đá chùa Dạm, tượng Phật A Di Đà, pho tượng Quan âm Thiên thủ thiên nhãn, toà Cửu phẩm liên hoa, tháp Hoà Phong, tháp Báo Nghiêm, tháp Cứu sinh, các pho tượng cổ ở chùa Dâu, chùa Mãn xá,…

Từ lâu, đã có nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu về Phật giáo Bắc Ninh, nhưng hầu hết chỉ đề cập đến Phật giáo Bắc Ninh với tư cách là một chương, một mục của một công trình chung là Phật giáo Việt Nam (Vấn đề Phật giáo Luy Lâu, Phật giáo thời Lý trong Phật giáo Việt Nam của các tác giả: Trần Trọng Kim, Nguyễn Lang, Thích Mật Thể, Nguyễn Tài Thư,… hoặc đề cập đến những tác phẩm điêu khắc của Phật giáo Bắc Ninh trong mỹ thuật Phật giáo Việt Nam của Chu Quang Trứ, L.Bezacier,…

Kế thừa những thành tựu nghiên cứu của các tác giả đi trước và từ kết quả khảo sát thực tế, với cái nhìn tổng thể, các tác giả “Phật giáo Bắc Ninh trong lịch sử” đã đưa đến bạn đọc bức tranh tổng thể của Phật giáo Bắc Ninh trong lịch sử với nhiều tư liệu lần đầu tiên được công bố trong công trình nghiên cứu này. Đây là một đóng góp quan trọng của tác giả Nguyễn Quang Khải và Thích Đức Thiện trong công tác nghiên cứu Phật giáo Bắc Ninh nói chung và văn hoá Phật giáo Bắc Ninh nói riêng. Tại công trình nghiên cứu này, người đọc thấy được những đặc điểm nổi bật của Phật giáo Bắc Ninh so với một số địa phương lân cận. Công trình nghiên cứu này đã đưa ra những bằng chứng cụ thể về tinh thần nhập thế của các thế hệ tăng sĩ Bắc Ninh từ xưa đến nay, về mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và giáo hội.

Với tư cách là một bạn đọc có quan tâm đến các vấn đề của Phật giáo Bắc Ninh, chúng tôi thấy đây là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức bổ ích và cần thiết. Rất mong trong tủ sách của mỗi ngôi chùa, trên giá sách của mỗi gia đình, nhất là những tín đồ Phật tử có một quyển “Phật giáo Bắc Ninh trong lịch sử”.