Những giá trị nổi bật của Yên Tử

59

Để lập hồ sơ di sản thế giới cho Yên Tử, các nhà khoa học đã thống nhất lựa chọn loại hình di sản văn hóa vật thể, với 4 tiêu chí ii, iii, v và vi theo Công ước của UNESCO 1972. Điều này, căn cứ vào những giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích và danh thắng này.

Yên Tử là một trung tâm Phật giáo với sự hiện diện của một quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng.

Yên Tử là một trung tâm Phật giáo với sự hiện diện của quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ, được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng. Ảnh chụp tại khu vực tháp Tổ Yên Tử (TP Uông Bí).

GS Rii Un Hae, chuyên gia của UNESCO, cho rằng tiêu chí thứ 2 và tiêu chí thứ 3 là phù hợp. GS Paul Dingual, một chuyên gia khác của IUCN, lại cho rằng tiêu chí 5 và tiêu chí 6 nên được chọn và xem xét thêm tiêu chí 3. TS Radhika Dihumal, một chuyên gia khác của IUCN, cũng đề xuất 3 tiêu chí 3, 5 và 6.

Về tiêu chí thứ 2, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho rằng: Hàng trăm di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất ở cả 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo, thuyết phong thủy. Kết quả giao thoa tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Yên Tử là một trung tâm Phật giáo với sự hiện diện của quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ, được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng. Ảnh chụp tại khu vực tháp Tổ Yên Tử (TP Uông Bí).

Theo Công ước, với tiêu chí thứ 3 thì Yên Tử rõ ràng đã “là một bằng chứng độc đáo hoặc duy nhất hoặc ít ra cũng là một bằng chứng đặc biệt về một truyền thống văn hoá hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất”.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử có hai truyền thống văn hóa tiêu biểu là: Phật giáo Trúc Lâm thuần Việt và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” – thờ cúng tổ tiên mà đại diện là tôn thờ các vị hoàng đế đã khuất núi với hai hệ thống thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng (chùa, am, tháp, đền thờ và lăng mộ hoàng gia triều Trần) khá phong phú.

TS Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhận định thêm: Yên Tử là một vùng phát triển cao hơn của các nền tảng tư tưởng, từ tư tưởng đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ độc lập dân tộc đến tư tưởng cố kết nhân tâm, thu phục lòng người, đoàn kết dân tộc để phát triển nền văn minh Đại Việt.

Theo Công ước, tiêu chí thứ 5: “Là một ví dụ tiêu biểu về sự định cư của con người hoặc một sự chiếm đóng lãnh thổ mang tính truyền thống và tiêu biểu cho một hoặc nhiều nền văn hóa, nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược”. Với tiêu chí số 5, Yên Tử được xác định như là một cảnh quan văn hóa từ bao đời nay đã và đang tồn tại những di sản của cộng đồng, di sản sống, di sản văn hóa phi vật thể.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nhận định: Tiêu chí số 5 Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là minh chứng đặc sắc về sự tương tác giữa con người và môi trường cảnh quan thiên nhiên, truyền thống cư trú liên tục của con người, thể hiện qua việc những tín đồ đạo Phật từ hàng nghìn năm trước tới ngày nay đã sử dụng vùng cảnh quan thiên nhiên danh sơn Yên Tử linh thiêng, huyền bí để xây dựng và hình thành nên một trung tâm Phật giáo với sự hiện diện của một quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ, được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng.

Và tiêu chí thứ 6 là “Gắn bó trực tiếp hoặc cụ thể với những sự kiện hoặc truyền thống sinh hoạt với các ý tưởng, hoặc các tín ngưỡng, các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật toàn cầu”.

Thiền phái Trúc Lâm chủ trương gắn đạo với đời, gắn xu thế nhập thế với việc giữ nước, mang đậm bản sắc dân tộc với tinh thần yêu nước chân chính, tinh thần nhập thế tích cực. Trên cơ sở đó, nhiều văn bản, kinh sách quý giá đã được tập hợp in ấn, lưu trữ. Bên cạnh đó còn nhiều mộc bản, nhiều tác phẩm văn chương có giá trị, nhiều bức họa đồ có giá trị thẩm mỹ cao cũng được in xen kẽ trong mộc bản.

Tất cả các tiêu chí vừa nêu đều có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện rõ nhất giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.

Phạm Học/Quảng Ninh