Mùa xuân theo dấu chân Bồ Đề về miền đất Phật

134

Mùa xuân, thời tiết ấm áp, khô ráo và nắng đẹp là khoảng thời gian lý tưởng nhất để các Phật tử hành hương về đất Phật.


Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Đức Phật đã nói với ngài A Nan Đà rằng những người thiện tín nên đến chiêm ngưỡng bốn thánh tích với lòng tôn kính và với tâm thâm tín hoan hỉ. Nếu được như vậy, khi mệnh chung sẽ sinh cõi người hoặc cõi trời.

Tháp Đại Giác (Mahabodhi Vihar Temple) tại Bồ Đề Đạo Tràng

Với những người theo đạo Phật ở khắp nơi trên thế giới, bốn thánh địa ở Ấn Độ chính là nơi hành hương quan trọng nhất. Đó là Lumbini (Lâm Tỳ Ni) – nơi Đức Phật sinh ra, Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) – nơi Đức Phật đắc đạo dưới gốc cây bồ đề; Varanasi (Bà La Nại) – nơi Đức Phật chuyển pháp luân và Kushinagar (Câu Thi Na) – nơi Ngài nhập Niết Bàn.

Một vị sư ngồi thiền tại Bồ Đề Đạo Tràng

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chương trình hành hương Dấu chân Bồ Đề về miền đất Phật cũng được Gotadi khởi hành vào ngày 28-2 với các chuyến bay của hãng hàng không Ấn Độ Indigo Airlines.

Chuyến đi về vùng đất linh thiêng quê hương của Phật giáo sẽ giúp những người yêu đạo Phật không chỉ hiểu rõ hơn về lịch sử Phật giáo mà còn là hành trình tìm thấy sự bình yên, tĩnh tại.

Các ni sư và Phật tử dưới gốc bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng

Bồ Đề Đạo Tràng, thuộc bang Bihar nằm ở Đông Bắc Ấn Độ, nơi được mệnh danh là đệ nhất thánh tích Phật giáo của châu Á, nơi đức Phật đã thiền định 49 ngày đêm dưới gốc cây Bồ Đề.
Nơi đây có Tháp Đại Giác (Mahabodhi Vihar Temple) đứng sừng sững với chiều cao khoảng 52 mét, mỗi cạnh vuông là 15 m. Tháp được Vua A Dục xây dựng vào khoảng 250 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn để tưởng niệm nơi thành đạo của Đức Phật Thích Ca.
Ngôi bảo tháp được bao bọc xung quanh bởi 4 tháp nhỏ với cấu trúc tương tự tháp nhọn, phía trên thờ xá lợi của Đức Phật, còn phần phía dưới là chính điện gọi là tháp Mahabodhi. Tường của tháp được xây dựng bằng gạch xanh trộn với vôi. Cột, cửa chính, cửa sổ được trang trí với vàng và bạc trộn lẫn với xà cừ và ngọc quý. Bên trong tháp có tượng Đức Phật bằng đá mạ vàng với chiều cao khoảng 2 m, được tạc vào khoảng năm 380 sau Công Nguyên.

Nhiễu quanh tháp Đại Giác

Cây bồ đề lịch sử nằm sau lưng tòa tháp, chung quanh có hàng rào bảo vệ, bao nhiêu thế kỷ đã trôi qua, vòm cây nguy nga, tán trùm rợp ra cả phía ngoài khuôn viên. Để giữ cho cây bồ đề được xanh tươi, người ta phải chống đỡ những cành ngang vươn ra bằng các trụ sắt.
Suốt chiều dài lịch sử hơn 2.500 năm, cây bồ đề này đã bị hủy hoại nhiều lần, nhưng kỳ diệu, ở nơi mà nó bị hủy diệt, sức sống mãnh liệt lại đâm lên những chồi non, sống mạnh mẽ đến bây giờ.

Vườn Lộc Uyển (Sarnath) tại Varanasi

Chuyến hành hương cũng đưa du khách đến Varanasi, tham quan Vườn Lộc Uyển (Sarnath) nơi Đức Phật đã chuyển Pháp Luân, giảng bài pháp đầu tiên “Tứ Diệu Đế” cho 5 anh em Kiều Trần Như. Tham quan bến thuyền đi du ngoạn Sông Hằng, dòng sông linh thiêng của người Ấn Độ giáo, ngắm bình minh trên sông Hằng và tìm hiểu về cuộc sống của người Ấn.

Yến Anh/LAO ĐỘNG