Khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

97

Sáng ngày 28/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 đã khai mạc trọng thể, với chủ đề “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu tại Đại hội.

Đại hội tổ chức dưới sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

oài – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Phạm Thị Thanh Trà – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ… cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành.

Tham dự Đại hội còn có 1.091 đại biểu Tăng Ni, Phật tử, Cư sĩ Phật tử tiêu biểu đại diện các Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, các cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ IX (2022-2027), Tăng Ni, tín đồ Phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam nỗ lực phấn đấu theo định hướng: Kỷ cương, Trách nhiệm, Đoàn kết, Phát triển.

Tại Đại hội này, các đại biểu có nhiệm vụ tập trung thảo luận, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, phương thức thực hiện hiệu quả các Phật sự trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế trong nhiệm kỳ vừa qua. Qua đó đề ra phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ tới; thảo luận, đóng góp ý kiến vào 12 mục tiêu Phật sự lớn của Giáo hội trong nhiệm kỳ tới, các dự thảo văn kiện trình Đại hội; suy tôn Đức Pháp chủ và bổ sung Hội đồng Chứng minh; suy cử Hội đồng Trị sự khóa IX, nhiệm kỳ 2022-2027; và một trong những nội dung quan trọng của Đại hội kỳ này là tiến hành tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đảm bảo Hiến chương thực sự phù hợp với các quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật Nhà nước liên quan, cũng như phù hợp với thực tiễn trong công tác điều hành Phật sự.

Theo đó, Hòa thượng đề nghị Đại hội phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ để đánh giá đúng thành tựu Phật sự đạt được, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành Phật sự của Hội đồng Trị sự; đồng thời phân tích sâu những tiềm năng, lợi thế, nhìn ra những khó khăn, thách thức phía trước từ đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ Phật sự trọng tâm và sáng tạo đột phá nhằm thực hiện thành công một cách hữu hiệu nhất các Phật sự ích đạo, lợi đời, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Phát biểu ý kiến tại Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với đường hướng hành đạo là “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối dòng chảy truyền thống, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc.

Những kết quả tích cực trong hoạt động của Giáo hội trong nhiệm kỳ vừa qua tiếp tục khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, phát huy truyền thống yêu nước sát cánh đồng hành với dân tộc. Thay mặt Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá những kết quả tốt đẹp, những đóng góp quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ 2017-2022 vào những thành tựu chung của đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo, đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN.

Đánh giá cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lựa chọn chủ đề của Đại hội lần này là “Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Đại hội tập trung thảo luận, thống nhất ý chí và hành động của toàn thể Giáo hội để quyết tâm thực hiện thành công 12 mục tiêu tổng quát về hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ 2022-2027 đã đề ra.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xây dựng tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam trang nghiêm, vững mạnh, phát triển; suy tôn, suy cử các quý vị lãnh đạo trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự là những người tiêu biểu về đạo hạnh và năng lực, đại diện cho các hệ phái, vùng miền, xứng đáng là “thạch trụ tùng lâm”. Thống nhất tu chỉnh Hiến chương phù hợp và đáp ứng yêu cầu hoạt động của Giáo hội trong giai đoạn mới, tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, khẳng định vị thế của tổ chức Phật giáo duy nhất ở Việt Nam đại diện cho tăng, ni, Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước, làm cơ sở để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong rằng, với tôn chỉ, mục đích cao cả của Phật giáo, với đường hướng hành đạo “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”, trong nhiệm kỳ mới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo, tập hợp đoàn kết tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy những truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Tại Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao hai Huân chương Lao động hạng Nhì, 6 Huân chương Lao động hạng Ba tặng các tập thể và cá nhân thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phụng sự đạo pháp và dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

CHU LƯƠNG