Diễn văn Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS

82

Kính mừng ngày Đản sinh của Đức Từ phụ năm nay, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự mong muốn Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài tích cực trong công tác Phật sự ích đạo lợi đời. 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

_____________

DIỄN VĂN PHẬT ĐẢN PL.2564 – DL.2020

CỦA HÒA THƯỢNG CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch: Chư tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni!

Kính thưa: Quý vị cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài!

Thưa quý liệt vị!

Hơn lúc nào hết, đây là thời khắc mà nhân loại tất cả chúng ta cùng nhau đoàn kết, tỉnh thức, nhận biết về bản thân, hành động của mình, nhận biết về thế giới xung quanh, và quan tâm hơn đến vận mệnh của nhân loại. Đây cũng đồng thời là thời điểm để tất cả chúng ta nhận chân giá trị, cùng suy nghiệm những bài học từ chính cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng như những lời dạy cao quý của Ngài cho cuộc sống hôm nay.

Trong  kinh Tăng nhất A-hàm, phẩm Tam bảo, Đức Phật có dạy: “ Này Tỳ-kheo, có ba loại bệnh lớn. Những gì là ba? Đó là tham, sân, và si. Song, ba loại bệnh lớn này lại có ba thứ thuốc hay để chữa trị. Những gì là ba? Nếu lúc lòng tham khởi lên thì thường trị bằng tư duy bất tịnh đạo. Nếu bệnh lớn là sân, thường trị bằng tâm từ bi và tư duy từ tâm đạo. Nếu bệnh lớn là ngu si, thường trị bằng trí tuệ và duyên khởi đạo”. Tam bảo là mạch nguồn của hạnh phúc và an lạc cho tất cả chúng sinh.

Mùa Phật đản Phật lịch 2564 năm nay diễn ra trong thời điểm thế giới xảy ra những tổn thất nghiêm trọng và vô cùng đau lòng. Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn người ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hệ lụy của nó sẽ kéo theo sự khủng hoảng toàn cầu, sẽ làm thay đổi các cách thức vận hành và sinh hoạt xã hội. Trong bóng tối bao trùm của thảm kịch to lớn này, thông điệp của Đức Phật về giáo lý Duyên khởi là nền tảng cho sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ hành tinh trước sự hủy hoại của biến đổi khí hậu, ngăn ngừa sinh ra dịch bệnh, và giáo lý về lòng từ bi, trí tuệ càng thôi thúc chúng ta phải mở rộng tình thương yêu, đùm bọc, chở che đồng loại, đặc biệt là đối với những thành phần đang cần sự giúp đỡ trong xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bùng phát và lây nhiễm, tất cả chúng ta cùng chiêm nghiệm lời dạy của Đức Phật trong kinh Tăng chi bộ, phẩm Chuẩn đoán: “Đức Phật đưa ra bốn biện pháp khi giúp đỡ một bệnh nhân, một vị lương y phải làm: Thứ nhất, phát hiện ra nguồn gốc của căn bệnh; Thứ hai, đạt được sự hiểu biết thấu đáo về căn bệnh; Thứ ba, quy định loại thuốc thích hợp để chữa trị căn bệnh; Thứ tư, hoàn toàn chữa khỏi, không cho bệnh tái phát”. Ngoài bốn tiêu chuẩn thông thạo này, Đức Phật dạy chúng ta: “Phải thể hiện một tâm hồn bao dung, độ lượng, phải xem bệnh nhân như những người bạn thân yêu nhất của mình”.

Như chúng ta đều nhận thấy, tất cả các chính phủ đều nỗ lực bằng mọi cách để bảo vệ sự sống, đem đến sự an toàn cho các công dân của mình. Nhưng chúng ta vẫn nhìn thấy ở đó sự khác biệt của nghiệp và nhân quả. Hãy dành một phút trong chính niệm để chúng ta cùng tưởng niệm và cùng chia sẻ những mất mát đau thương, cùng cầu nguyện cho các nạn nhân đã chết do dịch bệnh Covid-19 được vãng sinh về cõi an lành.

Với truyền thống nhân ái, tinh thần đoàn kết dân tộc mãnh liệt, Việt Nam chúng ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị, các tôn giáo, và toàn xã hội đã đoàn kết, chung tay đồng lòng một cách kịp thời, quyết liệt, đồng bộ để làm nên một chiến thắng giặc Covid-19 làm cho cộng đồng thế giới phải khâm phục.

Thưa quý liệt vị!

Đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử là truyền thống của Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian qua, hưởng ứng tinh thần chống dịch như chống giặc, các Ban Trị sự đã có nhiều hoạt động kịp thời, kêu gọi Tăng Ni, Phật tử thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh, ủng hộ mua sắm trang thiết bị y tế cần thiết cho các bệnh viện, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch, và chăm lo đời sống cho người lao động trong hoàn cảnh khó khăn mùa dịch. Tăng Ni và các cơ sở tự viện đã thực hiện tốt việc cấm túc để tránh dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, hành trì lễ niệm nguyện cầu cảm ứng đạo giao của mười phương chư Phật để dịch bệnh sớm tiêu tan, cho chúng sinh muôn nơi được bình an. Đất nước sớm ổn định, phát triển kinh tế, xã hội.

Kính mừng ngày Đản sinh của Đức Từ phụ năm nay, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự mong muốn Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài tích cực trong công tác Phật sự ích đạo lợi đời. Trong bối cảnh thực tế do tác động của đại dịch, tiếp tục nỗ lực hơn nữa phấn đấu hoàn thành chương trình Phật sự của Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII. Phát huy trí tuệ tập thể; đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương Chính pháp, trong phương thức hướng dẫn Phật tử thích ứng với tình hình mới; đẩy mạnh truyền thông Phật giáo trên tất cả các nền tảng hệ sinh thái số, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ 4.0 vào công tác hoằng pháp, giảng dạy trực tuyến, online để chuyển tải các hoạt động Phật sự vào trong đời sống xã hội, nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của Phật giáo nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, kết nối và mở rộng các hoạt động đối ngoại nhân dân thông qua ngoại giao văn hóa Phật giáo góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Trên tinh thần an nhiên, tự tại qua lăng kính của quy luật vô thường, xin kính chúc chư tôn đức Tăng Ni, và đồng bào Phật tử một mùa Phật đản vô lượng cát tường, thành tựu viên mãn các Phật sự cũng như thế sự trong hào quang gia hộ của Đức Phật.

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh!