Sáng ngày 4/12/2021 (nhằm ngày Mùng 1 tháng 11 năm Tân Sửu), tại Trụ sở GHPGVN, chùa Quán Sứ – Hà Nội, Hội đồng chứng minh – Hội đồng trị sự GHPGVN phối hợp Ban trị sự GHPGVN Thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 713 Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn và 10 năm ngày cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN viên tịch.
Quang lâm chứng minh Đại lễ tưởng niệm BTC có sự hiện diện của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ – Chánh Thư ký HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Yoshimizu – Dai Chi – nguyên chủ tịch Hội Tịnh Tông Nhật Bản; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN – Trưởng ban BTS GHPGVN TP Hà Nội ; Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhã – Chánh Văn phòng HĐCM GHPGVN; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Điện – Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng 1 GHPGVN; Cùng Chư tôn đức Ban Thường trực HĐTS, Chư tôn đức Lãnh đạo các Ban, Viện Trung ương; Chư tôn đức BTS GHPGVN Tp. Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc.
Về phía chính quyền có sự tham dự của ông Ngô Sách Thực – phó chủ tich UBTW MTTQ Việt Nam; Ông Đào Huy Cường – Vụ phó vụ Phật giáo BTGCP; ông Vũ Tiến Lợi – Trưởng phòng Phật giáo Cục An ninh Nội địa Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Kim Dung – Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam . Tp Hà Nội cùng quý vị lãnh đạo đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch TT HĐTS. GHPGVN tuyên lời tưởng niệm của GHPGVN: : Đức vua Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh năm Mậu ngọ (1258). Ngài được lập làm Hoàng Thái tử lúc 16 tuổi (1274). Năm 1278, khi vừa tròn 20 tuổi, Hoàng Thái tử Khâm được vua cha (Trần Thánh Tông) truyền ngôi, hiệu là Hiếu Hoàng. Ngài là vị Hoàng đế anh minh triều Trần đã hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự chủ cho dân tộc, xây dựng vương triều nhà Trần và quốc gia Đại Việt hùng mạnh. Sau khi quốc gia, xã tắc được bình yên, Đức vua Trần Nhân Tông đã về hành cung Vũ Lâm (thuộc Ninh Bình ngày nay) xuất gia cầu đạo với Quốc sư Huệ Tuệ, khởi đầu cho sự nghiệp tu hành của mình.
Sau đó, Ngài đã từ hành cung Vũ Lâm trở về kinh thành Thăng Long, rồi thẳng tiến lên núi Yên Tử (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh), tinh cần tu hạnh đầu đà lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài cho dựng chùa, giảng pháp, độ Tăng. Đồng thời, thống nhất ba dòng thiền: Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường thành lập lên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc Đạo”, “Hòa quang đồng trần” là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt.
Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc. ”
Theo đó, chư tôn đức cùng toàn thể đạo tràng nhất tâm cử hành nghi thức tâm linh tưởng niệm đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển; dịch bệnh tiêu trừ, nhân dân an lạc.
Nhân dịp, đại lễ tưởng niệm 713 năm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn cũng là lễ tưởng niệm 10 năm Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ viên tịch.
Chư tôn đức HĐCM, HĐTS Văn phòng I Trung ương GHPGVN đã cung tuyên tiểu sử Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích thượng Thanh hạ Tứ và dâng hương tưởng niệm.
Được biết, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Thành viên HĐCM, Phó Chủ tịch TT. HĐTS GHPGVN, Viện Trưởng HVPGVN tại Hà Nội, Viện chủ Tùng lâm Quán Sứ, Viện chủ chùa Bái Đính, và Tổ đình Nho Lâm. Ngài là bậc cao tăng thạc đức, thiền gia thạch trụ của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 (đương đại). Ngài đã an nhiên thu thần thị tịch vào hồi 08h15’ ngày 26 tháng 11 năm 2011 (nhằm ngày 02 tháng 11 năm Tân Mão), trụ thế 85 tuổi.
Bảo Nguyễn tổng hợp
Thiện Tâm (Phattu.vn)