Công bố hai văn bia tại Việt Nam Quốc Tự

85

Sáng ngày 16/1, chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM công bố 2 văn bia quan trọng về Việt Nam Quốc Tự.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Quyền Pháp chủ GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP.HCM cùng chư vị Trưởng lão Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thiện Pháp – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự và chư vị Phó Chủ tịch, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng II Trung ương, và đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng.
Chứng kiến chư Tăng Ni thành viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, lãnh đạo các Ban Trị sự Phật giáo 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức, chư Ni Phân ban Ni giới và Phật tử tiêu biểu đồng có mặt tại buổi lễ.

Buỗi lễ diễn ra trang nghiêm với nghi thức sái tịnh, và cử hành nghi thức công bố văn bia. Vị trí tôn trí hai văn bia tại sảnh tầng trệt Việt Nam Quốc Tự.


Văn bia “Việt Nam Quốc Tự” do Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh kính soạn. Văn bia “Trùng quang Việt Nam Quốc Tự” đề cập tới nhân duyên thành tựu trong việc trùng tu của các ngôi tự viện tại TP.HCM do Hòa thượng Thích Trí Quảng viết.

Nội dung văn bia “Việt Nam Quốc Tự” 

Việt Nam Quốc Tự là một công trình to lớn, đổi mới, hội nhập dân tộc và Phật giáo thế giới do Hòa thượng Thích Trí Quảng và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, trên cơ sở làm chùa, tô tượng, đúc chuông và xây dựng ngôi Bảo tháp Đa Bảo tôn thờ trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức, đã vị pháp thiêu thân ngày 11 tháng 6 năm 1963 tại Sài Gòn.

Năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2507 trên khắp các chùa tại miền Trung và miền Nam Việt Nam: đàn áp, gây tử thương cho hàng chục người Phật tử tại Đài phát thanh Huế; bắt bớ, giam tù hàng trăm Tăng Ni, Phật tử; tước quyền tự do, bình đẳng tôn giáo của Phật giáo đồ so với Công giáo và Tin lành.

Tổng hội Phật giáo Việt Nam, đứng đầu là Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, bấy giờ đã lãnh đạo Tăng Ni, Phật tử đứng lên bảo vệ Phật pháp. Chính quyền Ngô Đình Diệm càng ra tay đàn áp Phật giáo ngày mỗi trầm trọng.

Giữa lúc đó, Bồ-tát Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân, làm rung chuyển cả nước và toàn thể thế giới. Noi gương đại hùng, đại lực, đại từ bi của ngài, nhiều vị Tăng Ni, Phật tử đã tự thiêu để bảo tồn Chánh pháp.

Chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính vào ngày 1 tháng 11 năm 1963. Năm 1964, Thủ tướng Nguyễn Khánh của Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ đã hiến tặng Phật giáo 3 khu đất tại Sài Gòn, bao gồm khu đất Việt Nam Quốc Tự, khu đất thiền viện Quảng Đức và khu đất chùa Vĩnh Nghiêm.

Biết rằng, Việt Nam Quốc Tự từng có các Hòa thượng nối tiếp phát triển Phật sự. Hòa thượng Thích Tâm Châu bước đầu xây dựng vài hạng mục theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, đặt Trường Đại học Đông Phương. Hòa thượng Thích Tâm Giác tạo nền móng bảo tháp 7 tầng. Mọi việc đều dở dang vì thời duyên. Năm 1993, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giao khoảng 3.700m2 cho Thành hội Phật giáo, Hòa thượng Thích Từ Nhơn được cử trụ trì, tu sửa ngôi bảo tháp.

Năm 2014, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao thêm 7.201,5m2 đất, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã quy hoạch toàn diện trên phần đất được mở rộng, lãnh đạo kiến thiết Việt Nam Quốc Tự trở thành ngôi phạm vũ trang nghiêm, là trung tâm văn hóa, tâm linh và hành chính như ngày nay/

Nội dung văn bia “Trùng quang Việt Nam Quốc Tự” 

Được sự trợ duyên của chính quyền các cấp, sự đồng lòng và nhiệt tâm hộ trì của Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, ba ngôi đại già-lam Việt Nam Quốc Tự, chùa Phổ Quang và chùa Thanh Tâm (chùa Phật Cô Đơn) được trùng quang tổ ấn.

Kế thừa tâm nguyện của liệt vị tiền nhân, kiến tạo cơ sở làm thắng duyên cho việc hoằng dương Chánh pháp tại Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đem tâm nguyện ấy bày tỏ trước Đại Tăng, toàn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, lành thay, được toàn thể thống nhất quyết định nội dung gồm bốn điều sau đây:

Điều một: Ba ngôi đại già-lam: Việt Nam Quốc Tự, tọa lạc tại phường 12, quận 10; chùa Phổ Quang, tọa lạc phường 2, quận Tân Bình, và chùa Thanh Tâm (chùa Phật Cô Đơn), tọa lạc tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh vĩnh viễn là cơ sở chung của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều hai: Ba ngôi chùa trên do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đương nhiệm trực tiếp quản lý, coi sóc.
Điều ba: Để tránh nhọc sức cho Tăng Ni và Phật tử các giới, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng nguồn tài chánh từ ba cơ sở này để duy trì và trang nghiêm ba ngôi chùa nêu trên, đồng thời yểm trợ kinh phí cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo Tăng Ni tài đức, hoằng dương Chánh pháp.

Điều bốn: Mọi việc thỉnh cử, phân công, điều động nhân sự, sử dụng nguồn tài chánh liên quan tới ba ngôi chùa này phải được bạch trước Đại Tăng bằng văn bản và được đại đa số thành viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức Giáo hội đại diện cho Tăng Ni, Phật tử tán thành.

Tiếp nối di nguyện của tiền nhân, đây là phát nguyện của tất cả thành viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, hợp với tâm nguyện của Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước cho sự nghiệp chung.

Làm được điều đó sẽ được chư Phật, chư Bồ-tát, Hộ pháp long thiên, Giác linh chư vị Hòa thượng, Anh linh liệt vị tiền nhân gia hộ để Đạo pháp hoằng thông trên thế gian, đem hạnh phúc, bình an cho khắp muôn loài.

T.H