Sáng ngày 28/02/Kỷ Hợi (4/2/2019), tại chùa Vạn Đức (Q.Thủ Đức đã diễn ra lễ húy kỵ lần thứ 3 cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh, nguyên Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, nguyên Chủ tịch HĐTS, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN, viện chủ chùa Vạn Đức (Tp.HCM) và chùa Vạn Linh (An Giang).
Quang lâm chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của HT.Thích Trí Quảng – phó Pháp chủ kiêm giám luật HĐCM, HT.Thích Đức Nghiệp – phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Viên Giác, HT.Thích Giác Tường – đồng ủy viên TT HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS, HT.Thích Thiện Pháp – phó Chủ tịch TT HĐTS, HT.Thích Thiện Tánh, HT.Thích Gia Quang – đồng phó Chủ tịch HĐTS, cùng Chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, các Ban Viện, văn phòng 2 Trung ương GHPGVN, quý Tăng Ni Phật tử các nơi về dâng hương tưởng niệm.
Cung thỉnh chư tôn đức
Toàn cảnh buổi lễ
Tại buổi lễ, HT.Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS cung tuyên tiểu sử cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh.
Theo tiểu sử, Đại lão HT.Thích Trí Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh năm Đinh Tỵ (1917), tại làng Mỹ Luông, quận Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc.
HT.Thích Gia Quang cung tuyên tiểu sử
Năm 1937, Đại lão Hòa thượng lên núi Cấm, đến chùa Vạn Linh, cầu xin Hòa thượng trụ trì Pháp húy Hồng Xứng cầu thế độ xuất gia. Năm 1941, Đại lão Hòa thượng đăng đàn thọ Sa-di giới tại chùa Quốc Ân và được Sư cụ Trí Độ đặt cho Pháp hiệu là Trí Tịnh. Năm 1945, Đại lão Hòa thượng được đăng đàn thọ Tỳ-kheo và Bồ-tát giới tại chùa Long An, Sa Đéc.
Từ năm 1945 đến ngày viên tịch, Đại lão Hòa thượng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, đóng góp công đức to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo Tăng tài… góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước.
Trong công tác giáo dục, Đại lão Hòa thượng là một trong những vị cao Tăng của Phật giáo Việt Nam vào những thập niên 40, 50 của thế kỷ 20 và của thế kỷ hôm nay. Đại lão Hòa thượng đã có công rất lớn trong việc thành lập và giảng dạy tại các Phật học đường miền Nam Việt Nam, từ Phật học đường Phật Quang, Liên Hải, Phật học đường Nam Việt, Phật học viện Huệ Nghiêm, Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Đại học Vạn Hạnh.
Đại lão Hòa thượng là bậc thầy trong công tác Giáo dục, là nhà giáo dục mô phạm của Phật giáo Việt Nam trong mọi thời đại. Có thể nói, Đại lão Hòa thượng đã đào tạo được nhiều thế hệ Tăng Ni tài đức, Phật tử hữu danh, có ích cho Đạo lẫn đời, hiện đang phục vụ các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam qua từng giai đoạn..
Trong công tác phiên dịch và trước tác, Đại lão Hòa thượng đã để lại trong kho tàng Tam tạng Phật giáo Đại thừa nhiều bản kinh, sách bằng tiếng Việt có giá trị để Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam tụng đọc, nghiên cứu, tham học, trở về cội nguồn giáo lý như lời Phật dạy.
HT.Thích Trí Quảng dâng lời tưởng niệm
Đại lão Hòa thượng đã nỗ lực trùng tu chốn Tổ chùa Vạn Linh, chùa Vạn Đức, thiền viện Quảng Đức – trụ sở Văn phòng II T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngài đã thâu thần thị tịch vào lúc 09g15 ngày 28-3-2014 (ngày 28/02/Giáp Ngọ) tại chùa Vạn Đức. Trụ thế: 98 năm; hạ lạp: 69 năm.
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, HT.Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN thay mặt TƯGH dâng lời tưởng niệm : “…Trên bước đường trở thành bậc tri thức Phật học uyên thâm, với hạnh nguyện Đại thừa, Đại lão Hòa thượng đã vào đời bằng tinh thần đại sĩ. Đạo đời hòa quyện, một thể viên dung, chan hòa pháp giới. Từ vùng đất miền Tây Nam bộ trù phú bao la cò bay thẳng cánh, đến chốn Sài thành hoa lệ – hòn ngọc viễn đông, Đại lão Hòa thượng đã tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, hóa độ chúng sinh, phát huy chân lý Đạo vàng một cách trong sáng và tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử; từ Giáo hội Tăng già Nam Việt, GHPGVNTN đến GHPGVN, đâu đâu, nơi nào, thời nào Đại lão Hòa thượng cũng hết tâm hành đạo. Quả thật! “Công Ngài đổ xuống đất này, cho hoa Đạo pháp ngày ngày xanh tươi….Hôm nay, nhân lễ húy kỵ lần thứ 3 của cố Đại lão Hòa thượng, trước Giác linh đài khói hương nghi ngút, đèn Bát Nhã lung linh, chúng tôi là những người bạn đồng hành, đồng sự pháp lữ trong chánh pháp, nghĩa Linh Sơn trong sáng đời đời, xin đốt nén tâm hương với lòng thành kính, nước Bát đức trắng trong, hoa giải thoát thơm tho, kính dâng lên cúng dường Giác linh Đại lão Hòa thượng để gọi là thể hiện mối tâm giao, lòng tưởng niệm chân thành đối với Đại lão Hòa thượng”.
Chư tôn đức giáo phẩm dân hương tưởng niệm
Theo đó, trước Giác linh đài trang nghiêm, trầm hương quyện tỏa; Chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, các Ban Viện, văn phòng 2 Trung ương, môn đồ đệ tử và Tăng Ni Phật tử niêm hương cúng dường, tưởng niệm, tri ân đến công đức cao dày của bậc Tổ sư đáng kính.
Thực hiện: Đ.Huy