PGTPHCM – Sáng 6/-5, tại Giảng đường Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở II (TP.HCM), Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 20 – năm 2025 đã chính thức khai mạc, mở đầu cho chuỗi hoạt động mang tầm quốc tế, đề cao tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình trong thời đại mới.
Với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, Vesak 2025 là lời hiệu triệu mạnh mẽ gửi đến cộng đồng quốc tế trong bối cảnh nhân loại đang đối diện nhiều biến động.
Buổi lễ diễn ra trang trọng với sự hiện diện của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường, cùng sự tham dự của đại diện các cơ quan nhà nước.
Về lãnh đạo Phật giáo có sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Pháp chủ GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Hòa thượng GS.TS Brahmapundit – Chủ tịch ICDV; cùng nguyên thủ các quốc gia, đại diện các vùng lãnh thổ, và lãnh đạo Phật giáo quốc tế.
Sự kiện quy tụ hơn 2.700 đại biểu, trong đó có hơn 1.300 đại biểu quốc tế đến từ hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, là minh chứng sống động cho sức lan tỏa toàn cầu của thông điệp từ bi và trí tuệ của Đức Phật.
Mở đầu lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc tái hiện ba sự kiện thiêng liêng trong cuộc đời Đức Phật: Đản sinh – Thành đạo – Nhập Niết-bàn, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và công nghệ trình chiếu hiện đại, tạo nên một không gian huyền nhiệm, đầy cảm xúc.
Toàn thể hội trường đã trang nghiêm thực hiện nghi thức niệm Phật cầu nguyện hòa bình thế giới, thể hiện khát vọng lớn lao của nhân loại về một thế giới không còn khổ đau, chiến tranh, và bất công.
Trong Thông điệp Vesak 2025, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng khẳng định: “Vesak là dịp để cộng đồng Phật giáo toàn cầu cùng nhau quán chiếu lời dạy của Đức Phật, từ đó nuôi dưỡng lòng từ, tinh tấn thực hành và đồng hành kiến tạo một thế giới an vui, hòa ái và bền vững.”
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Trưởng ban Tổ chức Đại lễ – nhấn mạnh Vesak không chỉ là dịp lễ trọng của Phật giáo, mà còn là nơi kết nối những trái tim cùng lý tưởng phụng sự nhân loại, vượt qua mọi biên giới văn hóa, tôn giáo.
Thay mặt Ủy ban Tổ chức Quốc tế, Hòa thượng Brahmapundit bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Việt Nam – đất nước có bề dày văn hóa Phật giáo – đã tổ chức Vesak một cách chu đáo, trang nghiêm, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá cao vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc gắn đạo với đời, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, và đồng hành cùng đất nước trên con đường phát triển bền vững.
Đại lễ Vesak 2025 sẽ kéo dài trong ba ngày (6–8/5), với nhiều hoạt động nổi bật: hội thảo học thuật quốc tế, lễ rước xe hoa mừng Phật đản, triển lãm văn hóa Phật giáo, nghi lễ tâm linh và giao lưu hữu nghị quốc tế.
Đáng chú ý, gần 1.000 tham luận đã được gửi về từ các học giả, nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, xoay quanh những chủ đề thời sự như: vai trò Phật giáo trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe tinh thần, đạo đức trong bảo vệ môi trường, và các giải pháp vượt qua khủng hoảng toàn cầu.
Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai Vesak LHQ, sau các kỳ tại Hà Nội (2008), Ninh Bình (2014), và Hà Nam (2019). Nhưng Vesak 2025 mang một ý nghĩa đặc biệt: đánh dấu sự trở lại đầy ý nghĩa sau đại dịch, khẳng định Việt Nam là điểm hội tụ hòa bình, nơi tôn vinh giá trị nhân bản và sự hòa hợp giữa các nền văn minh.
TIỂU BAN TTTT VH TƯ