Thông điệp Đại Lễ Phật Đản PL.2562 của Đức Pháp chủ GHPGVN

28

Kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, ngược dòng lịch sử tự hào về sự đóng góp vĩ đại của các bậc Tổ sư đại trí cho dân tộc, Tăng Ni, Phật tử, tổ chức thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải nâng cao tinh thần: “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, nỗ lực không ngừng làm cho Đạo Phật xương minh.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH

___________________

Hà Nội, tháng 05 năm 2018/PL.2562

THÔNG ĐIỆP

ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2562

CỦA ĐỨC PHÁP CHỦ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính gửi: Chư Tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư,

                 Đại đức Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.

Hàng năm vào những ngày tháng 5 lịch sử là mùa Vesak thiêng liêng, những người Phật tử trên toàn thế giới hân hoan kính mừng ngày đản sinh của bậc Đạo sư Đại giác ngộ tôn quý Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hơn 26 thế kỷ qua, con đường giác ngộ mà Ngài đã soi sáng cho chúng ta đi đến bến bờ hạnh phúc, an lạc mãi mãi là chân lý thực tiễnphá bỏ sự bất bình đẳng, chiến tranh, xung đột và nghèo đói đem đến hòa bình và sự thịnh vượng cho nhân loại trên khắp hành tinh. Ánh sáng đó chiếu rọi đến đâu là ở đó tràn ngập tình thương yêu và trí tuệ sáng suốt cho sự phát triển bền vững vì lợi ích của số đông và vì hạnh phúc của loài người.

Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam cách đây 1.050 năm về trước khi vua Đinh Tiên Hoàng thành lập nên nước Đại Cồ Việt, nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên đã có sự đóng góp quan trọng về tâm tài, trí tuệ của các vị thiền sư Phật giáo Việt Nam từ kiến trúc thượng tầng, đến chăm lo đời sống muôn dân, và bang giao quốc tế đều thấm đượm giáo lý Phật giáo mà tiêu biểu là Quốc sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu. Với tư tưởng: “Trong cây vốn có lửa”, mang triết lý sâu sắc của học thuyết Phật tính trong kinh Niết Bàn và giáo nghĩa tất cả các pháp đều là Phật pháp, trong kinh Pháp Hoa đã chỉ ra rằng con người ta không thể tìm thấy một thế giới giác ngộ nào khác bên ngoài cuộc đời này. Các vị thiền sư đại trí, đại tài đã ung dung, tự tại, coi sự hoàn thành việc đời như một chứng tích cho sự hoàn thành việc đạo, tích cực tham gia vào việc nước, việc dân và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Năm nay chúng ta kỷ niệm 1000 năm ngày viên tịch của Vạn Hạnh thiền sư, vị Quốc sư có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập nên vương triều Lý lấy tư tưởng triết lý Phật giáo là tư tưởng chủ đạo của quốc gia độc lập tự chủ Đại Việt. Đồng thời, chúng ta cũng chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 710 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, vị Sơ Tổ khai sáng nền Phật giáo Trúc Lâm với tư tưởng hòa quang đồng trần, đưa đạo vào đời, lấy đời phát triển đạo tiêu biểu của tinh thần nhập thếPhật giáo Việt Nam.

Kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, ngược dòng lịch sử tự hào về sự đóng góp vĩ đại của các bậc Tổ sư đại trí cho dân tộc, Tăng Ni, Phật tử, tổ chức thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải nâng cao tinh thần: “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, nỗ lực không ngừng làm cho Đạo Phật xương minh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần đem lại cuộc sống an lạc, thịnh vượng cho nhân dân, hòa bình cho nhân loại.

Thay mặt Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni, Cư sĩ, đồng bào Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài mùa Phật đản trọn vẹn niềm hoan hỷ vô biên, an lành trong Chính pháp!

Nam mô Thường Tinh Tiến Bồ tát ma ha tát.

ĐỨC PHÁP CHỦ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

    (đã ấn ký)

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ TUỆ