Tưởng niệm 50 năm ngày viên tịch của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa

57

PGTPHCM – Sáng 24/12 (nhằm ngày 14/12/Quý Mão), tại Việt Nam Quốc Tự, vào lúc 07 giờ 00 ngày 24/01/2024 (14/12/Quý Mão) diễn ra lễ tưởng niệm 50 năm ngày viên tịch cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa (1973 – 2024).

Tham dự buổi lễ tưởng niệm có sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Pháp chủ GHPGVN, Chứng minh Đạo sư GHPGVN TP.HCM; Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp – Phó Pháp chủ kiêm Giám luật, Chủ tịch Ban Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh;  Trưởng lão Thích Viên Minh – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ GHPGVN; Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, cùng sự hiện diện của chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN TP, chư tôn đức lãnh đạo BTS Thành phố Thủ Đức, 21 quận huyện và các Ban chuyên ngành trực thuộc; Đại diện lãnh đạo chính quyền các cấp, sở tại đồng tham dự.

 

Tại chánh điện Việt Nam Quốc Tự, đại diện chư tôn đức Ban tổ chức, Hòa thượng Thích Lệ Trang  – UVTT HĐTS, Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cung tuyên tiểu sử, cuộc đời, đạo hạnh, trước tác của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa.

  

Trong không khí trang nghiêm, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Pháp chủ GHPGVN ôn lại đạo nghiệp, công đức tu hành, phương pháp giáo hóa, độ chúng, cũng như sự trọng người hiền, tai kế thừa mạng mạch Phật Pháp của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa khi Ngài còn sinh tiền tại Phật học đường Nam Việt, Tổ Đình Ấn Quang (Quận 10).

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Pháp chủ GHPGVN

    

Tiếp đó, chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự TP.HCM, cùng đại chúng đã thành kính dâng hương đảnh lễ, niêm hương tưởng niệm Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa, cùng nhất tâm cầu nguyện, tri ân công đức của Hòa thượng và chư vị tiền bối hữu công cho Đạo pháp và Dân tộc.

Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa húy Trần Thiện Hoa, hiệu Hoàn Tuyên, sanh ngày 7-8 năm Mậu Ngọ (1918), tại làng Tân Quy (sau đổi tên là An Phú Tân), quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Trà Vinh). Hòa thượng quy y với tổ Chí Thiền chùa Phi Lai núi Voi, Châu Đốc. Pháp danh Thiện Hoa do Tổ đặt cho Hòa thượng.

Hòa thượng, xuất gia tại chùa Phước Hậu. Sau đó, Hòa thượng được gởi đến chùa Đông Phước, làng Đông Thành, quận Cái Vồn (hiện giờ là quận Bình Minh), theo học với tổ Khánh Anh được hiệu là Hoàn Tuyên. Từ đó, Tổ được mời dạy những trường gia giáo nơi nào, Hòa thượng đều theo đó học tập.

Năm 17 tuổi, Hòa thượng thọ giới Sa-di. Từ đây Hòa thượng chính thức vào Phật học đường sống theo nếp mẫu mực đạm bạc của đời Tăng sinh tươi trẻ. Sau 3 năm mãn lớp Sơ đẳng nơi đây, năm 1938, Hòa thượng được ra Huế học, lúc ấy được 20 tuổi.

Năm 1945 Hòa thượng hợp tác cùng Hòa thượng Trí Tịnh khai giảng Phật học đường Phật Quang, tại rạch Bang Chang, xã Thiện Mỹ, quận Trà Ôn.

Đầu mùa Xuân năm 1953, Hòa thượng cùng tám đệ tử mang hành lý đến Phật học đường Nam Việt (trong số đó có thầy Thanh Từ) nhằm ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch. Hòa thượng giữ chức vụ Trưởng Ban giáo dục Giáo Hội Tăng Già Nam Việt kiêm Đốc giáo PHĐNV và chức Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.

Với trách nhiệm đốc giáo PHĐNV, Hòa thượng đã tận tâm giảng dạy cho hai lớp Cao đẳng và Trung đẳng nơi đây. Đồng thời, Hòa thượng cũng dạy lớp Trung đẳng Ni chúng mở tại chùa Từ Nghiêm, sau dời về Phật học Ni trường Dược Sư. Đến năm 1957 Hòa thượng lại chủ xướng mở những khóa huấn luyện trụ trì lấy tên là Như Lai Sứ Giả.

Với trách nhiệm Trưởng Ban Giáo Dục trong Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Hòa thượng đã khuyến khích mở trường Phật học ở các tỉnh như trường Phật học tại chùa Bình An Long Xuyên (1956), trường Phước Hòa ở Vĩnh Bình, trường Giác Sanh ở Phú Thọ, trường Biên Hòa và Phật Ân ở Mỹ Tho v.v…

Có thể nói hầu hết Tăng Ni miền Nam đương thời đều chịu ân giáo dục của Hòa thượng, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.

Hòa thượng nhận chức Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt năm 1953, huấn luyện Tăng Ni sinh tại các Phật học đường để trở thành những giảng sư thật sự. Đồng thời, Hòa thượng cũng huấn luyện các vị trụ trì Tăng Ni đều có thể thành giảng viên trên lãnh vực của mình và đi diễn giảng các nơi khác.

Năm 1956, sau cuộc Đại hội kỳ hai của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Sài Gòn, Hòa thượng lại giữ chức vụ Ủy viên Hoằng Pháp Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, tổ chức phát thanh Phật Giáo hằng tuần trên đài phát thanh Sài Gòn.

Từ năm 1953 đến năm 1965, Hòa thượng soạn xong 12 khóa Phật Học Phổ Thông, hay gọi là Cây Thang Giáo Lý. Hòa thượng còn soạn Bản Đồ Tu Phật (10 tập), Duy Thức Học (6 tập), tám quyển sách quý: Tu Tâm, Dưỡng Tánh, Nhơn Quả Luân Hồi, Ngũ Đình Tâm Quán, Tứ Diệu Đế, Từ Bi Trong Đạo Phật, Chữ Hòa Trong Đạo Phật và Năm Yếu Tố Hòa Bình.

Về phiên dịch, Hòa thượng đã dịch được: Đại Cương Kinh Lăng Nghiêm; Kinh Viên Giác; Kinh Kim Cang; Tâm Kinh; Luận Đại Thừa Khởi Tín;  Luận Nhơn Minh …

Theo định luật vô thường, Hòa thượng đã viên tịch vào sáng ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Tý (nhằm ngày 23/01/1973) thọ 55 tuổi và được 26 tuổi hạ.

N.Đức, Ảnh : Thành Huệ