Lễ tốt nghiệp cử nhân Phật học khóa XI (2015-2018)

195

Sáng ngày 29/10/2018 (21/9/Mậu Tuất), Lễ tốt nghiệp cử nhân Phật học khóa XI (2015-2018) diễn ra tại cơ sở 2 HVPGVN TP.HCM, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Theo TT.Thích Quang Thạnh – UV HĐTS – Tổng thư ký Hội đồng điều hành HVPGVN TP.HCM cho biết Tăng Ni sinh khóa XI được đào tạo theo hệ tín chỉ thay cho hệ đào tạo niên chế trước kia.

Toàn cảnh buổi lễ

Hiện nay, Học viện có lực lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu gồm 118 vị, trong đó có: 03 Giáo sư Tiến sĩ, 03 Phó Giáo sư Tiến sĩ, 83 Tiến sĩ, 20 Thạc sĩ, 05 học giả, 01 Bác sĩ và 07 vị Hòa thượng và Thượng tọa. Ngoài ra, Học viện còn mời thỉnh giảng là 53 vị, trong đó có: 03 Phó Giáo sư Tiến sĩ, 03 Tiến sĩ, 39 Thạc sĩ và 8 Cử nhân. Ban đầu, từ một khoa Phật học đã phát triển thành 11 khoa bao gồm: 1/ khoa Hoằng pháp; 2/ khoa Phật giáo Việt Nam; 3/ khoa Lịch sử Phật giáo; 4/ khoa Triết học Phật giáo; 5/ khoa Trung văn; 6/ khoa Pali; 7/ khoa Sanskrit; 8/ khoa Công tác xã hội; 9/ khoa Anh văn Phật pháp; 10/ khoa Sư phạm Giáo dục mầm non và 11/ Khoa Đào tạo từ xa.

TT.Thích Quang Thạnh phát biểu

Trong suốt 34 năm qua (1984-2018), Học viện đã và đang đào tạo 13 khóa (hệ chính quy), 5 khóa (hệ đào tạo từ xa) theo chương trình Cử nhân Phật học và 2 khóa chương trình thạc sĩ Phật học, với tổng số 5.928 Tăng Ni sinh và cư sĩ Phật tử; trong đó đã có 3.712 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Cử nhân Phật học, 320 Tăng Ni sinh khóa XI sẽ tốt nghiệp sáng nay và 1.703 sinh viên đang theo học. Về chương trình Thạc sĩ Phật học, có 22 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp và 171 Tăng Ni sinh hiện đang theo học. Đặc biệt, Học viện đã quyết định miễn phí 100% mọi phương diện cho tất cả Tăng Ni sinh nội trú bao gồm: tiền học phí, chỗ ở, ăn uống, thuốc men, và các chi phí khác v.v…

Được biết, sau 03 năm được đào tạo theo hệ thống tín chỉ, các Tăng Ni sinh phần lớn đã hoàn tất chương trình học cử nhân Phật học với 129 tín chỉ trong vòng 3 năm, thay vì là 04 năm. Hiện nay, đã có 320 sinh viên khóa XI thuộc 06 khoa (khoa Pali: 33 vị; khoa Triết học Phật giáo: 80 vị; khoa Trung văn: 36 vị; khoa Phật giáo Việt Nam: 43; khoa Lịch sử Phật giáo: 48 vị; khoa Hoằng pháp: 80 vị) cùng 16 sinh viên thuộc các khóa IX & X (hệ chính quy) và khóa II & III (hệ ĐTTX) đã đủ điểm tốt nghiệp. Như vậy, tổng cộng có 336 sinh viên tốt nghiệp cử nhân Phật học năm 2018, trong đó có 6 Tăng Ni sinh thuộc 06 khoa đạt thủ khoa trong kỳ tốt nghiệp cử nhân Phật học khóa XI lần này. Ngoài ra, còn 106 Tăng Ni sinh ở 03 khoa như: Sanskrit, Anh văn Phật pháp và  Công tác xã hội thuộc khóa XI chưa học xong các tín chỉ để tốt nghiệp.

HT.Thích Trí Quảng phát biểu

Trong bài phát biểu của HT.Thích Trí Quảng – Phó pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM, Hòa thượng nhấn mạnh : Tăng Ni sinh khóa XI được chính thức tốt nghiệp ra trường, thực hiện bổn nguyện lớn lao “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, hoặc tiếp bước hành trình học thuật nghiên cứu, góp phần vào kho tàng tri thức Phật giáo Việt Nam, là một sự kiện vô cùng hoan hỷ”.

Tại buổi lễ, TT.Thích Tâm Đức – UV TT HĐTS, phó Viện trưởng HVPGVN TP.HCM đã đọc Quyết định danh sách 320 Tăng Ni sinh tốt nghiệp khóa XI (2015-2018) Tân cử nhân đón nhận bằng tốt nghiệp từ Hòa thượng viện Trưởng.

HT.Thích Thiện Nhơn phát biểu

Thay mặt Trung ương Giáo hội để động viên và khuyến kích Tăng Ni sinh vừa tốt nghiệp, mai sau sẽ là thế tài đức lãnh đạo giáo hội và xây dựng đất nước, HT.Thích Thiện Nhơn đã có những phần quà gởi đến các tân cử nhân. Dịp này, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS cũng có đôi lời gởi gắm đến Tăng Ni sinh tốt nghiệp và đang học tại HVPGVN TP.HCM : “Theo quan điểm Phật giáo là nói đến hệ thống giáo dục đạo đức nhân bản và hướng nội theo truyền thống Trung đạo, đặt nền tảng trên Bát Chánh đạo là bản thể của Trung đạo. Do đó, Học viện thông qua Hội đồng Điều hành đã đào tạo Tăng Ni sinh không những chỉ tiếp thu qua văn tự, lý thuyết, mà còn xây dựng trên nền tảng Giới, Định, Tuệ để thành tựu phạm hạnh căn bản là Hạnh đức, Tâm đức và Trí đức. Từ đó, Tăng Ni sinh hưởng được trọn phần chất liệu Phật học, hướng nội và sống với nguồn tâm, bản tánh của mỗi người, mà giáo lý Đức Phật đã chỉ bày một cách có hệ thống và nhất quán…  Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp, quý vị đã có đầy đủ nhân duyên được Giáo hội quan tâm lo lắng về mặt tổng thể, được sự bảo dưỡng, giáo dục trực tiếp của Hội đồng Điều hành, Ban Giảng huấn bằng những kinh nghiệm quý báu, bằng cả trái tim và tinh thần trách nhiệm vì tương lai Phật giáo Việt Nam, vì sự nghiệp đào tạo Tăng tài cho Giáo hội.

Trong không khí đại hoan hỷ, đại tin tưởng, thắp sáng niềm tin vào sự phát triển vững mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà giáo dục là cơ sở đánh thức cho mọi tiềm năng và phát triển của Giáo hội và Học viện được thể hiện trong buổi lễ động thổ, đặt đá xây dựng Chánh điện của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi thay mặt Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin cầu nguyện công trình xây dựng Chánh điện sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng theo dạng đa năng của Học viện và Quốc tế…” 

Đ.Huy