Dâng hương tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ

241

Sáng nay 1/4, chư tôn đức Ban thường trực  Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Hồ Chí Minh đến d tại Quảng Hương Già Lam (Quận Gò Vấp).

Phái đoàn của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Thành Phố Hồ Chí Minh gồm có : Hòa thượng Thích Huệ Văn, Hòa thượng Thích Thiện Đức – đồng Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo TP, Thượng tọa Thích Thiện Quý – Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư ký BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP, TT.Thích Quang Thạnh – Phó Chánh Thư ký kiêm Chánh Văn phòng BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP cùng chư tôn đức, nhân viên Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Hồ Chí Minh.

Phái đoàn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thành Phố Hồ Chí Minh tháp tùng cùng chư tôn đức phái đoàn Viên Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam đối trước di ảnh Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ tác bạch dâng hương, tưởng niệm.

Hòa Thượng Thích Nhật Hỷ dâng lời tưởng niệm đến Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, bày tỏ lòng tri ân của hàng hậu học đến công đức tu hành, đạo hạnh của Hòa thượng đối với đạo pháp và dân tộc.

Theo đó, Hòa thượng Thích Nguyên Giác thay lời môn đồ đệ tử cảm niệm sự quan tâm của chư tôn đức các cấp Giáo hội, đặc biệt là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, Viên Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam đã đến dâng hương kính lễ Giác linh ân sư.

Cũng trong sáng nay, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã gửi hoa đến kính viếng, tưởng niệm ngày viên tịch của Hòa thượng Thích Trí Thủ.

Hòa thượng Thích Trí Thủ họ Nguyễn, húy Văn Kính, pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, pháp hiệu Thích Trí Thủ. Ngài sinh ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Dậu, tức ngày 01-11-1909 trong một gia đình nho phong thanh bạch, tại làng Trung Kiên, tổng Bích Xa, phủ Triệu Phong (nay là xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ Nguyễn Hưng Nghĩa, thân mẫu là cụ Lê Thị Chiếu. Hai cụ là người rất kính tín Tam Bảo. Vì vậy, dù là con trai độc nhất trong gia đình, lúc 14 tuổi Ngài đã được song thân cho vào học kinh kệ ở chùa Hải Đức – Huế.

Năm 1926, khi được 17 tuổi, Ngài thực thụ xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Viên Thành tại chùa Tra Am ở Huế. Năm Ngài 20 tuổi (1929), được Bổn sư cho vào thọ giới Cụ Túc (Tỳ Kheo) tại Đại giới đàn chùa Từ Vân ở Đà Nẵng, đạt pháp hiệu Ngài là Thích Trí Thủ.

Sinh tiền Hòa thượng đảm nhận nhiều vai trò quan trọng của Giáo hội Phật giáo, ngày 07-11-1981 tại Đại hội Thống nhất Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ – Hà Nội,  Ngài được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam- nhiệm kỳ I.
Ngài đã không quản tuổi già sức yếu, vẫn một lòng phụng sự đạo pháp. Ngài đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ 5 (1979), lần thứ 6 (1982) của Tổ chức Phật Giáo Châu Á Vì Hòa Bình (ABCP) họp tại Mông Cổ.

Năm 1980, Ngài làm trưởng đoàn đại biểu Tôn Giáo Việt Nam dự hội nghị các nhà Tôn Giáo Thế Giới vì hòa bình và giải trừ quân bị, chống chiến tranh hạt nhân, tổ chức tại Nhật Bản. Năm 1981, Ngài làm trưởng đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam dự hội nghị các nhà hoạt động Tôn Giáo Thế Giới vì hòa bình và sự sống, chống chiến tranh hạt nhân, tổ chức tại Liên Xô.
Năm 1983, Ngài tham dự hội nghị các vị đứng đầu Phật giáo 5 nước Châu Á tổ chức tại thủ đô Veintaine Lào. Cũng năm này, Ngài được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Vào những năm tháng cuối đời, sau khi đã đem bao tâm lực cống hiến cho sự chấn hưng Phật giáo, cho sự phát triển và thống nhất các hệ phái dưới một mái nhà Phật giáo, cho sự tu hành thăng tiến của lớp hậu sinh, sức khỏe của Ngài có phần suy giảm nhiều.

Ngày 02 tháng 3 năm Giáp Tý, tức ngày 02 tháng 4 năm 1984, sau một cơn suy tim đột ngột, Ngài đã thâu thần viên tịch tại Bệnh viện Thống Nhất, thọ 76 tuổi đời, 56 tuổi đạo.

Ngoài những đóng góp Phật sự từ ngày xuất gia cho đến ngày lãnh các trọng trách trong Giáo hội, Hòa thượng Thích Trí Thủ còn để lại cho hậu thế nhiều sáng tác, dịch phẩm có giá trị.

Thái Hòa