Chiều 21/2, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu đã đến thăm và chúc mừng thượng thọ cư sĩ Tống Hồ Cầm được 104 tuổi.
Tại buổi thăm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM đã ân cần hỏi thăm sức khỏe cư sĩ Tống Hồ Cầm và bày tỏ lòng tri ân đối với sự đóng góp của ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM chúc cư sĩ Tống Hồ Cầm sống vui, sống khỏe, trường thọ, luôn là tấm gương cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Cư sĩ Tống Hồ Cầm sinh ngày 23-2-1918 tại Huế trong một gia đình thuần Phật giáo Ngay từ nhỏ, ông đã quy y Tam bảo, pháp danh Tâm Bửu.
Từ năm 1940, ông đã viết bài cho các báo ở Huế, Đà Lạt, Sài Gòn… với nhiều bút danh khác nhau. Sau đó, ông làm Tổng Thư ký tòa soạn Báo Từ Quang (thuộc Hội Phật học Nam Việt) đến năm 1975.
Ông là một trong những thành viên đầu tiên tham gia sáng lập tổ chức Gia đình Phật tử và trở thành Huynh trưởng cấp Dũng.
Cư sĩ Tống Hồ Cầm cũng tham gia hoạt động cách mạng tại Huế từ rất sớm, nhân chứng sống của các sự kiện ở miền Trung và của miền Nam trong suốt thế kỷ 20, trong đó có cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Các cuộc tranh đấu của các giới đồng bào ở Huế những năm trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám đều có ông tham gia trong lực lượng cách mạng của thanh niên, học sinh, nhân sĩ và giới Phật giáo.
Trước ngày toàn quốc kháng chiến, cư sĩ Tống Hồ Cầm tham gia phong trào Phật giáo cứu quốc và hoạt động bí mật tại Huế, bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn dã man.
Chính trong giai đoạn này, tư tưởng của Phật giáo về đoàn kết dân tộc gắn với truyền thống yêu nước đã hình thành trong ông. Ông tham gia vào các tổ chức và hoạt động của Phật giáo như Hội trưởng Tỉnh hội Việt Nam Phật học tỉnh Thừa Thiên – Huế, Tổng Trị sự Tổng hội Phật học Trung Việt…
Thông qua các tổ chức này, ông đã vận động, tuyên truyền về Bác Hồ, Việt Minh và kêu gọi tăng ni, phật tử, các tầng lớp nhân dân tham gia tranh đấu cho nền độc lập dân tộc.
Phan Anh/NLD